Tiểu Vỹ (Trung Quốc) sinh ra ở một vùng nông thôn, gia cảnh nghèo khó. Ngay từ nhỏ, anh đã nhận ra học hành chăm chỉ chính là con đường thoát nghèo tốt nhất. Vì vậy, vất vả thế nào anh cũng nhất quyết không bỏ ngang việc học.
Từ cuối cấp hai Tiểu Vỹ đã bắt đầu vừa học vừa phụ việc cho người quen trong làng để tích đỡ đần cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học tầm trung, anh cũng gặp vô vàn khó khăn mới xin được việc. Bước sang tuổi 24, với tư chất thông minh và chăm chỉ làm việc không kể ngày đêm, cuộc đời anh cũng bắt đầu có những khởi sắc.
Mặc dù chưa trả hết được khoản nợ sinh viên nhưng anh cũng cân đối được một khoản nhỏ gửi về nhà mỗi tháng. Ở công ty, những nỗ lực của Tiểu Vỹ cũng được cấp trên nhìn nhận và thăng chức lên làm trưởng nhóm một dự án lớn. Anh bắt đầu có nhiều mối quan hệ trong cả xã hội và công việc. Trong số đó có một cô gái mới quen khiến Tiểu Vỹ nghĩ đến việc yêu đương rồi kết hôn sau 24 năm không một mảnh tình vắt vai.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Buổi sáng thức dậy sau một đêm nhậu nhẹt say khướt với đối tác, anh phát hiện mình buồn tiểu nhưng không tiểu nổi. Càng gắng sức thì càng cảm thấy bộ phận sinh dục nóng rát, ngứa ran. Đặc biệt là vùng bụng ngay dưới xương sườn và thắt lưng phía sau cũng đau đớn dữ dội kèm theo tức ngực và khó thở.
Tuy có cơ thể gầy gò nhưng làm việc chân tay từ nhỏ nên Tiểu Vỹ tự cho rằng mình rất khỏe mạnh. Anh rất ít khi ốm vặt, thậm chí cũng chưa từng vào bệnh viện. Nhưng đến khi cố gắng tự bắt taxi tới được bệnh viện, anh mới hiểu mình đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng do nhiễm độc niệu, phải lọc máu gấp.
Hai thói quen phổ biến ở người trẻ có thể âm thầm “phá hủy” thận
Mắt Tiểu Vỹ nhòe đi khi nghe bác sĩ nói rằng anh vốn bị suy thận đã vài năm mà không phát hiện ra. Đúng là một số triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu không rõ ràng, dễ bị hiểu lầm sang bệnh vặt khác nhưng nguyên nhân chủ yếu là cuộc sống quá vất vả với “cơm áo gạo tiền” đã khiến anh chủ quan với sức khỏe của mình.
Anh không hề đi khám sức khỏe định kỳ đã nhiều năm. Mỗi lần thấy cơ thể mệt mỏi, ốm đau đều tự mua thuốc uống, ăn thêm đồ ăn ngon rồi tự mình chịu đựng. Hơn một năm trở lại đây cũng từng phát hiện vài bất thường khi đi tiểu nhưng cho rằng bởi mình chưa trải qua q.u.an hệ t.ì.nh. d.ụ.c cũng chưa c.ắ.t b.a.o q.u.y đầ..u nên không quá để tâm. Bắp chân bị sưng và cảm giác chán ăn mấy ngày gần đây cũng không phải do làm việc quá sức mà chính là dấu hiệu “kêu cứu” từ thận.
Bác sĩ điều trị cho biết, khi đến bệnh viện thì thận của Tiểu Vỹ đã bị teo khá nhiều, suy thận chuyển sang giai đoạn nặng, nhiễm trùng hay còn gọi là nhiễm độc niệu. Còn có dấu hiệu viêm bàng quang và phì đại tuyến tiền liệt.
Trong quá trình điều tra bệnh sử, Tiểu Vỹ cho biết mình thường xuyên nhịn tiểu và uống nhiều bia rượu, nước ngọt có ga. Đây chính là 2 nguyên nhân khiến thận của anh bị “tàn phá” nặng nề, cộng thêm phát hiện muộn nên càng nghiêm trọng hơn. Không thể phục hồi chức năng thận, dù lần này may mắn giữ được tính mạng nhưng cả đời này anh phải phụ thuộc vào việc chạy thận.
Sau khi lấy lại được bình tĩnh, Tiểu Vỹ mới bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình. Hóa ra trước kia anh từng làm thêm ở công trường, sau đó làm phục vụ bàn. Đặc thù công việc khiến anh bắt đầu có thói quen nhịn tiểu. Sau này làm việc văn phòng cũng quá bận rộn, ngại đi lại nhiều lần nên anh càng hay nhịn tiểu hơn.
Bia rượu thì anh chỉ bắt đầu uống nhiều hơn kể từ khi lên làm trưởng nhóm, khoảng 1 năm trở lại đây. Vì muốn nâng cao tửu lượng khi tiếp đối tác, anh thậm chí còn dùng bia rượu uống thay cho nước lọc để cơ thể thích nghi nhanh hơn trong một thời gian. Còn nước ngọt có ga thì chính là vị cứu tinh giúp anh chống lại cơn buồn ngủ, giải tỏa áp lực và xua tan cơn đói. Suốt thời sinh viên, gần như ngày nào anh cũng uống nó và thức đêm mỗi ngày. Thói quen đó vẫn duy trì đến tận bây giờ.
8 thói quen tốt giúp thận luôn khỏe mạnh
Làm gì tốt cho thận? Để thận luôn “chạy” tốt, có thể sinh hoạt và làm việc bình thường cần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh từ sớm, cũng như cách chăm sóc sức khỏe đúng đắn và tầm soát bệnh thường xuyên. Sau đây là một số thói quen tốt cho thận mà ai cũng nên biết:
1. Uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể, và đặc biệt với những người bị thận yếu thì cần đặc biệt lưu ý. Các bác sĩ khuyến cáo, người bị bệnh thận không nên uống quá nhiều hay quá ít nước, vì uống nhiều nước sẽ tạo áp lực lên cho thận. Song, cũng không được uống ít nước sẽ làm tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc, do thận sẽ không đủ nước để co bóp đẩy cặn bã và độc tố ra ngoài. Vì vậy, chỉ cần uống một lượng nước vừa đủ mỗi ngày.
Vậy uống bao nhiêu nước là đủ? Mỗi ngày cơ thể cần 2-2,5 lít nước, tùy theo sức khỏe tổng thể, giới tính, trọng lượng cơ thể và hoạt động của người đó. Với những người chơi thể thao, mồ hôi tiết ra nhiều thì cần bổ sung nước nhiều hơn. Để nạp đủ nước cho cơ thể, cần lưu ý những điều sau: không nên uống một lượng nước lớn một lúc mà nên uống từng ngụm nhỏ, để giúp các tế bào thẩm thấu lượng nước đưa vào; nên uống nước ấm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp mà còn tăng nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa và việc tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên dễ dàng, trơn tru hơn; không đợi đến khi khát mới uống, bởi vì ngay cả khi không khát cơ thể vẫn có khả năng mất đi một lượng nước cần thiết cần phải bổ sung ngay.
Ngoài nước lọc ra, có thể tăng cường thêm một số loại nước trái cây tươi như nước dưa hấu, táo, dâu tây… rất giàu vitamin và khoáng chất rất tốt cho thận và đặc biệt tránh xa các loại nước ngọt có ga, vì lượng đường và phốt pho ở trong các loại nước này sẽ thúc đẩy bài tiết canxi ra ngoài, gia tăng áp lực cho thận, dễ sinh sỏi thận. Lưu ý, với những người đã từng bị sỏi thận nên uống nhiều nước hơn một chút để giúp ngăn ngừa hình thành sỏi trong tương lai.
2. Thường xuyên vận động vừa sức
Tập thể dục không chỉ cần thiết với những người bình thường, mà đối với những người bị bệnh thận cũng cần duy trì vận động. Việc luyện tập thể thao điều độ không những giúp tăng cường sự dẻo dai cho các cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch, giúp khí huyết được lưu thông tốt hơn mà còn giúp ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides), tăng cường sức khỏe tim mạch. Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa sự tổn thương của thận. Vì vậy, thói quen tốt cho thận này cần được duy trì thường xuyên.
Tuy nhiên, đối với những người thận yếu cần chú ý: loại bài tập, thời gian tập luyện, cường độ và thời gian tập luyện. Với đối tượng này nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, earobic… Với những người mới tập luyện nên tập từ từ, rồi tăng dần thời gian lên, nên duy trì 30-45 phút/ngày, tập ít nhất 3 ngày/tuần. Tùy vào sức khỏe mỗi người mà có cường độ tập khác nhau, tập vừa với sức của mình. Khi thấy mệt, khó thở, tim đập nhanh, đau bụng… thì cần dừng lại ngay.
3. Duy trì cân nặng phù hợp
Những người thừa cân hoặc béo phì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao có thể làm hỏng thận. Vì vậy, cần theo dõi và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp. BMI là chỉ số thể dùng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI được tính cho người trưởng thành bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Một người có chỉ số khối cơ thể bình thường dao động trong khoảng 18,6-24,9. Nếu vượt qua chỉ số này vượt quá 25, cơ thể đang bị thừa cân béo phì. Để làm được điều này, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học.
4. Kiểm soát đường huyết
Với những người bị bệnh tiểu đường, hoặc có nguy cơ có lượng đường huyết cao là những đối tượng dễ làm tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này xảy ra trong thời gian dài có thể làm nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bản thân kiểm soát đường trong máu thì có thể giảm được nguy cơ gây hại cho thận. Bên cạnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý thì cần thăm khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, bác sĩ có cách để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở thận.
5. Theo dõi huyết áp
Huyết áp cao là yếu tố ảnh hưởng sẽ kéo theo các hệ lụy về sức khỏe như tiểu đường, tim mạch hoặc cholesterol tăng tăng cao, gây tổn thương đến thận. Khi huyết áp tăng cao sẽ làm dày các thành mạch và gây hẹp lòng mạch máu. Quá trình lọc máu trở nên khó khăn hơn, các chất thải của cơ thể sẽ bị ứ đọng lại trong máu và theo thời gian sẽ gây hại cho thận. Chỉ số huyết áp bình thường là 120/80 mmHg.
Nếu chỉ số huyết áp trên 140/90 là tình trạng huyết áp tăng. Nếu gặp tình trạng này, người bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ và cần theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống và có thể dùng thuốc. Khi huyết áp cao kéo dài sẽ làm tăng áp lực lên cầu thận khiến thận làm việc vất vả hơn, có nguy cơ dẫn đến suy thận.
6. Hạn chế sử dụng rượu bia, và ngưng hút thuốc lá
Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể, trong đó có thận. Nếu thường xuyên uống quá nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận làm việc hết công suất mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nên uống rượu bia ở mức cho phép, một người chỉ nên sử dụng 10g cồn nguyên chất (tương đương ¾ chai bia 330ml, hoặc 1 ly rượu vang 100ml (13,5%), một cốc rượu mạnh 30ml (40%). Bên cạnh đó, hút thuốc lá là nguyên nhân gây xơ vữa các mạch máu, máu lưu thông đến thận chậm hơn. Đặc biệt, hút thuốc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Người hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính bản thân mà còn ảnh hưởng tới người xung quanh (gọi là “hút thuốc lá thụ động”). Vì vậy, muốn thận được duy trì chức năng, cần từ bỏ thói quen không tốt này để bảo vệ thận.
7. Chú ý trong việc sử dụng thuốc không kê đơn
Nếu thường xuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thuốc chống viêm không steroid bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể gây hại cho thận nếu dùng chúng thường xuyên vì đau mạn tính, đau đầu hoặc viêm khớp.
Vì vậy, cần chú ý và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này. Tốt nhất, khi sử dụng những loại thuốc này hàng ngày, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị an toàn cho thận nếu bạn đang phải đương đầu với cơn đau.
Ngoài thuốc giảm đau, các loại thuốc khác cũng cần theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Cùng mắc một loại bệnh giống nhau, thuốc dùng tốt ở người bệnh này nhưng có thể không dùng được ở người bệnh khác. Đặc biệt nhiều loại “thực phẩm chức năng” đôi khi được quảng cáo như thuốc nên gây hiểu lầm và người bệnh không biết nên đã sử dụng như thuốc chữa bệnh.
8. Kiểm tra chức năng thận
Nếu bạn ở đối tượng có nguy cơ cao bị tổn thương thận hoặc đang bị bệnh thận thì cần kiểm tra chức năng của thận thường xuyên. Những đối tượng sau cần lưu ý kiểm tra thường xuyên:
Người trên 60 tuổi
Người sinh ra nhẹ cân
Người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.
Người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mắc bệnh thận mạn phải lọc máu hay ghép thận.
Người béo phì.
Người có dấu hiệu bất thường ở thận
Việc kiểm tra chức năng thận thường xuyên là một cách để tầm soát sức khỏe của thận, cũng biết được những thay đổi có thể xảy ra. Việc phát hiện sớm có thể giúp điều chỉnh lối sống cũng như những can thiệp y tế giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa thận bị tổn thương trong tương lai.