10 ký tự số là mã số thẻ BHYT có mang 02 ý nghĩa như sau:
1) Mã số in trên thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới của Bộ y tế ban hành từ ngày 01/4/2021 cũng chính là mã số bảo hiểm xã hội người tham gia bảo hiểm y tế. Đây là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT (theo Điểm 2.13, Khoản 2, Điều 2, Quyết định 595/QĐ-BHXH)
2) Mã số thẻ BHYT giúp quản lý và theo dõi người tham gia trong suốt quá trình sử dụng bảo hiểm y tế. Căn cứ vào mã số này, các cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc người tham gia có thể dễ dàng tra cứu các thông tin tham gia bảo hiểm y tế của chủ thẻ.
Bên cạnh mã số thẻ BHYT trên thẻ BHYT mới còn được in thêm nhiều thông tin khác nhau cụ thể:
1) Mã mức hưởng BHYT: được thể hiện ở góc phải của thẻ, được in bằng ký hiệu gồm 01 ký tự là số từ 1 đến 5.
Căn cứ Quyết định 1351/QĐ-BHXH, tương ứng với từng ký tự, người tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo các mức sau:
- Ký hiệu bằng số 1: Được thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế (VTYT) và dịch vụ kỹ thuật (DVKT) theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán DVKT; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
- Ký hiệu bằng số 2: Được thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
- Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
- Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
- Ký hiệu bằng số 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển.
2) Mã nơi đối tượng sinh sống: được thể hiện gồm 02 ký tự: K1/K2/K3 ký hiệu nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn/đặc biệt khó khăn và ký hiệu nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Căn cứ theo Điều 4, Quyết định số 1351/QĐ-BHXH về việc ban hành mã số ghi trên thẻ của BHXH Việt Nam đã ban hành ngày 16/11/2015 quy định mã nơi đối tượng sinh sống gồm 02 ký tự ký hiệu vừa bằng chữ vừa bằng số:
- Ký hiệu K1: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Ký hiệu K2: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Ký hiệu K3: là mã nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào thẻ BHYT mới có thể xác định được đối tượng tham gia BHYT thông qua mã thẻ. Có thể xác định được mức hưởng BHYT và nơi sinh sống của chủ thẻ.
Mức đóng bảo hiểm y tế năm 2024 ra sao
Với người tham gia bảo hiểm y tế thì việc phải ghi nhớ thông tin thẻ BHYT của mình là điều khó khăn và không ai cũng có thể ghi nhớ được một cách chính xác. Dưới đây là những cách giúp bạn có thể xem các thông tin ghi trên thẻ BHYT mẫu mới của mình một cách dễ dàng và thuận tiện.
1) Bạn có thể xem trực tiếp thông tin in trên thẻ bảo hiểm y tế mới của bạn. Thẻ bảo hiểm y tế mới có mã số 10 ký tự, là mã số BHXH của bạn. Bạn cũng có thể xem mức hưởng bảo hiểm y tế của bạn ở góc phải của thẻ được thể hiện bằng ký hiệu là 1, 2, 3, 4 hoặc 5.
2) Bạn có thể tra cứu bảo hiểm y tế mới trên website Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Bạn cần điền các thông tin gồm mã thẻ, họ tên, ngày/năm sinh và đánh dấu vào ô "Tôi không phải là người máy" rồi bấm nút Tra cứu. Nếu thông tin hợp lệ, bạn sẽ nhận được kết quả với đầy đủ thông tin về thẻ và các quyền lợi sử dụng thẻ.
3) Bạn có thể tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế mới bằng cách gọi điện thoại đến số tổng đài CSKH của BHXH Việt Nam và làm theo hướng dẫn của tồng đài viên. Tổng đài sẽ trả về kết quả với các thông tin cơ bản về thẻ mà bạn yêu cầu.
4) Bạn có thể tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế mới qua ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID. Đây là một ứng dụng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát triển, giúp bạn quản lý thông tin và quyền lợi bảo hiểm y tế của mình. Bạn chỉ cần cài đặt và đăng ký ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh để sử dụng chức năng "thẻ BHYT" trên ứng dụng để tra cứu được nhiều thông tin cần thiết.
5) Xem hình ảnh thẻ BHYT mới trên ứng dụng VNeID. Đây là ứng dụng định danh điện tử của Bộ Công an để tích hợp các giấy tờ cá nhân quan trọng của cá nhân và sử dụng trên môi trường điện tử. Bạn cần tự tích hợp thẻ BHYT vào VNeID và được xác nhận thành công thì mới có thể sử dụng để tra cứu thông tin BHYT hoặc xuất trình thay cho thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.
Xuất trình CCCD thay thế BHYT khi khám chữa bệnh từ 03/12/2023Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) như sau:
- Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân (CCCD); trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP. (Mới)
- Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh;
Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
- Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
- Người đã hiến bộ phận cơ thể đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
- Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.
Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
- Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP trước khi ra viện.
Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại các Điều 28, 29 và 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
- Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội không được quy định thêm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài các thủ tục quy định tại Điều này. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội cần sao chụp thẻ bảo hiểm y tế, các giấy tờ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.
Như vậy, so với Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì Nghị định 75 đã bổ sung thêm quy định cho phép sử dụng CCCD thay thế thẻ BHYT khi khám chữa bệnh. Đồng thời bổ sung thêm giấy tờ định danh điện tử mức độ 2 được dùng thay thế thẻ BHYT chưa có ảnh.
Tra cứu bảo hiểm y tế bằng CMND/CCCD có thể xem thông tin gì?
*Cách tra cứu bảo hiểm y tế bằng CMND/CCCD có thể xem thông tin bảo hiểm y tế trên Website của BHXH Việt Nam:
- Mã số thẻ bảo hiểm y tế.
Cách tra cứu mã số thẻ bảo hiểm y tế bằng CMND/CCCD: Truy cập link sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-ho-gia-dinh.aspx và điền đầy đủ thông tin hệ thống yêu cầu.
- Giá trị sử dụng của thẻ BHYT: Truy cập link sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx và điền đầy đủ thông tin hệ thống yêu cầu.
- Điểm thu đại lý thu BHYT gần nhất: Truy cập link sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/diem-thu-dai-ly.aspx và điền đầy đủ thông tin hệ thống yêu cầu.
*Cách tra bảo hiểm y tế khi bị mất thẻ giấy
Khi mất thể bảo hiểm y tế giấy, bạn có thể tra cứu bảo hiểm y tế thông qua một trong các cách sau:
- Tra thông tin tại Website của BHXH Việt Nam: https://baohiemxahoi.gov.vn.
- Tra cứu thông tin tại ứng dụng VssID với điều kiện là phải có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (hay còn gọi là tài khoản VssID). Nếu chưa có tài khoản, đăng ký tài khoản VssID.
- Tra cứu bảo hiểm y tế qua tổng đài 1900.9068.
* Cách tra bảo hiểm y tế còn hạn sử dụng không
Cách 1: Tra cứu tại Website của BHXH bằng cách truy cập link sau:
https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx
Cách 2: Tra cứu tại ứng dụng VssID.
Đăng nhập VssID >> Chọn Thẻ BHYT >> Xem thời hạn thẻ BHYT.
Cách 3: Gọi điện đến tổng đài 1900.9068 để hỏi xem thẻ bảo hiểm y tế của bạn còn hạn không.