Chỉ tại dân chẳng hiểu cho Bộ trưởng Y tế!

06:45, Thứ năm 24/04/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ngành y tế của chúng ta hiện nay đang quá dễ bị tổn thương. Và trách nhiệm ấy đâu thể đổ hết cho người đứng đầu là bà Bộ trưởng.

Những ngày vừa qua, liên tục các thông tin về dịch sởi diễn biến nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của 125 đứa trẻ (tính đến ngày 21/4) đã trở thành nỗi ám ánh đối với cả xã hội.

Có ai hình dung nổi căn bệnh đã được nhiều nước trên thế giới tuyên bố loại bỏ hoàn toàn nhờ tiêm chủng từ lâu nay bỗng nhiên lại trở thành tử thần cướp đi sinh mạng hơn một trăm đứa trẻ ngây thơ, dập tắt bao nhiêu niềm hy vọng của cha mẹ, người thân các bé.

Mô tả ảnh.
Bệnh viện Nhi Trung ương quá tải trong dịch sởi

Vậy mà câu chuyện không ngờ ấy lại đã và đang thành sự thật, gieo rắc bao nỗi hoang mang.

Những nghi vấn về việc bộ Y tế giấu dịch, công bố sai số liệu khiến dư luận rối ren, nhiều tờ báo, phóng viên chĩa ngòi bút vào ngành y tế, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. 

Nhưng có thật tất cả là lỗi của Bộ trưởng Tiến? Xin thưa với quý vị là không đâu ạ. 

Ngành y tế không công bố dịch là có lý của họ. Như bộ trưởng Tiến đã nói: "UBND TP Hà Nội chưa công bố dịch là hợp lý, vì nếu công bố dịch sởi trên toàn TP thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành, đi lại, du lịch... của TP".

Trong trường hợp này có thể thấy ngành y tế không chỉ quan tâm đến các vấn đề chuyên môn, đến nhiệm vụ khám chữa bệnh của mình mà còn cẩn thận quan tâm, suy xét đến các vấn đề kinh tế xã hội. 

Y tế đã nhiệt tình và năng nổ như vậy, người dân phải nhiệt tình ủng hộ chứ sao lại nỡ phê bình họ?

Hơn nữa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trước đó cũng dẫn quy định hiện hành rằng: cứ có ba ca sốt phát ban nghi sởi ở một ổ dịch, trong đó có hai trường hợp dương tính với sởi đã có thể thông báo dịch. Các văn bản, giấy tờ từ đầu mùa dịch sởi đến nay đều ghi rõ là “phòng chống dịch sởi” chứ không nói là không có dịch. Và ông khẳng định “Việt Nam hiện nay là đã thông báo dịch”.

Tóm lại, dù cách diễn đạt có hơi vòng vo nhưng ngành y tế vẫn đưa ra những cảnh báo về dịch đấy thôi. Chỉ tại người dân không hiểu, cứ cứng nhắc đòi công bố dịch bằng được mới chịu. Như vậy rõ ràng là làm khó nhau rồi còn gì.

Đấy là chưa kể trên cương vị là người có chuyên môn, Bộ trưởng Tiến đã đưa ra những lời khuyên rất thật lòng nhưng vẫn không được người dân hiểu đúng.

Trong chuyến thị sát một số bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc sởi tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh: "Ở địa vị chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bao giờ dại cho vào đây". 

Có thể cùng một câu nói, nhưng đặt vào những hoàn cảnh và thái độ khác nhau, nó sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Bộ trưởng kêu gọi mọi người không nên dồn đến bệnh viện, đó thể hiện tính trách nghiệm của cương vị bộ trưởng chứ không phải ác hay vô lương tâm như mọi người đã từng suy diễn.

Nhiều người đòi hỏi ở Bộ trưởng có những phát ngôn khéo léo và phù hợp hơn. Thế nhưng nghĩ cho cùng, Bộ trưởng Tiến là một nhà chuyên môn, không phải một chính khách, nên cũng khó tránh được những phát biểu dễ gây hiểu lầm.

Cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta buộc phải thừa nhận đó là ngành y tế hiện nay đang quá dễ bị tổn thương. 

Chỉ mới đối phó với một dịch bệnh tưởng chừng đã được khống chế bằng vắc xin thế này, mà các thiết bị y tế đã không chống đỡ nổi, nhiều trẻ đã phải thở chung máy, người dân phải quyên góp tiền mua máy thở, máy tiêm tặng cho bệnh viện. Thì trước những dịch bệnh khủng khiếp hơn liệu chúng ta sẽ ứng phó ra sao?

Ngân sách hàng năm chi cho y tế là một khoản không nhỏ nếu tính trên mặt bằng một đất nước có GDP đầu người thấp như Việt Nam, nhưng vấn đề Bộ Y tế, các địa phương đã chi tiêu, quản lý ngân sách thế nào cho hiệu quả để phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân thì vẫn là một câu hỏi lớn.

Và trách nhiệm ấy đâu thể đổ hết cho người đứng đầu là bà Bộ trưởng.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông