Quyết định này được đưa ra dựa trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Bộ Tài nguyên và môi trường đã công bố.
Theo đó Bộ TN-MT cho rằng, việc thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23 ha đất rừng; trong đó đặc biệt có 128,37 ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trong báo cáo tác động môi trường có cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất do thực hiện các dự án, nhưng lại chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế.
Nếu thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23 ha đất rừng |
Bên cạnh đó, hai dự án thủy điện trên cách khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55 km theo đường sông. Tuy nhiên báo cáo tác động môi trường lại chưa đánh giá được đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình đầu mối trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa của khu vực.
Một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học của báo cáo tác động môi trường còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá chình hoa quý hiếm.
Ngoài ra, do không chuyển dòng chảy, nên tổng lượng nước chảy về hồ Trị An hầu như không thay đổi. Trong khi hồ chứa của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là điều tiết ngày nên các hồ chứa này sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ du đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Mặt khác, báo cáo tác động môi trường cũng chưa phân tích rõ vai trò của dòng chảy có đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước gia tăng theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội phía hạ du, môi trường sống cho hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt đoạn sông ngay sau đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và khu ngập nước Bàu Sấu.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương rà soát để đưa các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ra khỏi các quy hoạch được duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói quyết định của Bộ Công thương đáp lại mong mỏi của giới khoa học và cộng đồng từng lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Chia sẻ với PV trước thông tin này vào tối 28/10, Ths Nguyễn Huỳnh Thuật, một nhân viên của Vườn Quốc gia Cát Tiên, người từng viết tâm thư gửi Chủ tịch nước kiến nghị bảo vệ Vườn Quốc gia Cát Tiên không giấu được vui mừng: “Vậy là Cát Tiên chính thức được cứu rồi”.