Tôm và cá giàu canxi, chứa protein cao hơn so với thịt gia cầm nhưng lại rất dễ hấp thu, vì vậy đây là thực phẩm hoàn hảo dành cho bé.
Tôm chứa DHA tăng cường sự phát triển trí tuệ và thị lực của bé. So với những loại cá có thể chứa lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá ngừ đại dương... tôm thật sự là thức ăn an toàn cho bé. 100g tôm cung cấp năng lượng cho cơ thể mỗi ngày, giúp não bộ bé xử lý thông tin nhanh và linh hoạt. Tuy nhiên khi cho trẻ ăn tôm mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý những điều này:
Khi nào trẻ có thể ăn tôm
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia tư vấn, trừ các loại hải sản có vỏ ví dụ như tôm, bố mẹ có thể cho bé ăn cá ở dạng bột sệt hoặc nghiền nhuyễn ngay từ 6 tháng tuổi khi bé bắt đầu ăn dặm.
Tuy nhiên đạm trong hải sản nói chung cũng như cá thường gây dị ứng cho trẻ, nên cho bé ăn từ tháng thứ 7 trở đi là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn. Bố mẹ cần cho trẻ ăn từ từ từng ít một để thích nghi dần. Với những trẻ có cơ địa dị ứng, các bà mẹ cần phải thận trọng hơn.
Sau khi ăn tôm không nên uống vitamin C
Tôm không nên nấu chung với các loại rau, củ giầu vitamin C hoặc ăn các loại quả giầu vitamin C ngay sau khi ăn tôm vì tôm chứa rất nhiều chất asen hóa trị 5 (chất này không gây độc cho cơ thể).
Nhưng khi ta ăn các loại thực phẩm này mà uống vitamin C hoặc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, cà chua, nho, mướp đắng, rau ngót.. sẽ làm cho asen hóa trị 5 chuyển thành asen hóa trị 3 (tức chất thạch tín) là chất rất độc có thể gây chết người.
Cần bóc vỏ tôm khi cho trẻ ăn
Nhiều mẹ cho rằng vỏ tôm chứa nhiều canxi nhưng thực chất thịt tôm là nơi có nhiều canxi nhất. Vỏ tôm có thành phần chủ yếu là kittin, không chứa canxi nhưng cũng tương đối khó tiêu hóa. Do đó, việc cố gắng ăn hoặc cho trẻ ăn vỏ tôm để tăng canxi là một quan niệm sai lầm.
Điều này cũng được PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa) lý giải: “Tôm là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và giàu canxi, tuy nhiên vỏ của tôm không hề giàu canxi như những lời đồn thổi. Thực chất trong xương động vật mới có canxi và nguồn canxi chính của tôm chủ yếu ở thịt, chân và càng. Còn vỏ tôm chỉ là chất kittin (một dạng polymer) tạo nên vỏ của các loại giáp xác chứ không chứa nhiều canxi, thậm chí chất này khi ăn vào còn khó tiêu hóa”, PGS Thịnh nói.
Không cần kiêng tôm khi bị ho
Khi bị ho, nhất là trẻ em nhiều người vẫn thường kiêng tôm, cá hoặc thịt gà, vì nghĩ rằng vỏ tôm khi ăn vào sẽ gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp, gây ho.
Theo chuyên gia dinh dưỡng ThS.BS. Lê Thị Hải (Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia) trên thực tế rất nhiều người ăn tôm thường bóc vỏ nhất là cho trẻ nhỏ, phần thịt của con tôm không gây kích ứng họng mà về mặt dinh dưỡng thì tôm có chứa rất nhiều vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm, giúp chóng khỏi bệnh.
Bị dị ứng không nên ăn tôm
Những người bị dị ứng với tôm, nhất là trẻ nhỏ không nên ăn tôm. Bởi khi ăn tôm, những người này thường bị nổi nổi mày đay: trên da bệnh nhân xuất hiện những vùng đỏ, nổi cục, rất ngứa.
Những mảng mày đay thường thấy ở mình, chân tay, có khi ở mặt, cổ, chỉ sau mấy giờ sẽ lặn, nhưng cũng có trường hợp kéo dài hàng tuần. Khi nổi mày đay cũng có trẻ bị sốt nhẹ.
Lưu ý khi chọn tôm
- Khi chọn mua tôm cho bé, bạn nên mua loại tôm đồng, đó là loại tôm tự nhiên. Tôm nuôi thường có dư lượng kháng sinh cao, không tốt cho bé.
- Khi chọn tôm, bạn cũng lưu ý nên chọn tôm còn sống, bơi lội, tuyệt đối không mua tôm đã có mùi khó chịu, mềm nhũn, đầu bị tách khỏi thân, bị nhớt, đó là loại tôm đã hỏng, cho trẻ ăn dễ bị ngộ độc.
- Nếu không mua được tôm đồng, bạn có thể mua tôm sú, tôm càng xanh nhưng khi chế biến nên lưu ý bóc vỏ, chỉ lấy thịt sơ chế thành nhiều món cho bé ăn.