Hôn nhân đồng tính: dự thảo “mở”, thẩm tra “đóng”
Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời, khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Quốc hội. Ảnh: Việt Hưng
Theo bà Mai vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau đó là đồng ý với quy định như dự thảo Luật, vì hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề trên đã thay đổi. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này và là cơ sở pháp lý giải quyết hậu quả trên thực tế đối với tình trạng chung sống của một bộ phận người cùng giới tính.
Ý kiến khác lại đề nghị giữ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như hiện hành vì cho rằng, kết hôn là xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ, việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam cũng như không đảm bảo chức năng của gia đình về duy trì nòi giống, không nên khuyến khích để mối quan hệ này phát triển.
Bà Mai cho biết, Ủy ban về Các vấn đề xã hội tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính vì xã hội vẫn đang còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo bà Mai cơ quan soạn thảo cần đánh giá đầy đủ việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong Luật hiện hành, nghiên cứu thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước trong khu vực.
Hợp đồng mất ý nghĩa hôn nhân
Ngoài chế độ tài sản theo luật định, dự thảo Luật đã bổ sung chế độ tài sản theo thỏa thuận (chế độ tài sản ước định) và quyền của vợ chồng trong việc lựa chọn chế độ tài sản. Về vấn đề này, bà Mai cho biết, hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với việc bổ sung chế định này vì cho rằng quyền tài sản là một trong các quyền cơ bản của cá nhân, quy định như dự thảo giúp người dân có thêm sự lựa chọn đối với tài sản của vợ chồng, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình và bản thân. Việc này cũng bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền sở hữu, quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm về tài sản.
Hơn nữa, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có thêm căn cứ pháp lý khả thi, linh hoạt hơn, đỡ tốn kém hơn trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tài sản trong hôn nhân và gia đình. Đồng thời, việc bổ sung quy định này không cản trở việc thực hiện quy định hiện hành đối với quyền tài sản của vợ chồng.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quan hệ hôn nhân và gia đình là quan hệ rất đặc biệt, khác với quan hệ giữa hai cá nhân thông thường, việc thỏa thuận về tài sản trước hôn nhân không phù hợp với văn hóa truyền thống, đạo lý vợ chồng của Việt Nam, trách nhiệm với con cái; quan hệ hôn nhân gắn với yếu tố tình cảm, nếu có thỏa thuận như dạng hợp đồng mang tính chất phân định rạch ròi, sòng phẳng sẽ làm mất ý nghĩa của hôn nhân... Bên cạnh đó, quy định này có thể bị lợi dụng do các hành vi tham nhũng, lừa đảo, tẩu tán tài sản.
Bà Mai cho biết, Ủy ban về Các vấn đề xã hội thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.
Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Dự thảo Luật nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với các điều kiện ràng buộc cụ thể, quy định quyền, nghĩa vụ các bên có liên quan và việc giải quyết tranh chấp. Vấn đề này bà Mai cũng cho biết có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hiện nay, với tiến bộ của y học trong nước có thể thực hiện được việc này, nếu pháp luật không điều chỉnh thì một bộ phận người dân có nhu cầu vẫn thực hiện, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Do đó, cần bổ sung quy định này trong Luật và phải quy định chặt chẽ, cụ thể.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần nghiêm cấm việc mang thai hộ với bất kỳ mục đích nào vì vấn đề này nhạy cảm, phức tạp, dễ bị lợi dụng và chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cần đánh giá mang thai hộ có thực sự mang lại kết quả hạnh phúc bền vững cho gia đình hay không, đồng thời, xử lý các xung đột với pháp luật, tranh chấp phát sinh do việc mang thai hộ cũng là vấn đề nên cân nhắc. Đến nay, nhiều nước trên thế giới vẫn quy định cấm mang thai hộ.
Ủy ban thấy rằng, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như các vấn đề về hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này.