"Thần dược"?
Chị Nguyễn Thị Hường ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội nghe người làng mách thế nào mà đi "lùng" bằng được mấy chiếc nhau thai về ăn để nâng cao thể trạng lúc nào cũng như bị ốm của chị. Chị bảo, hơn 200.000 đồng/chiếc, mua 3 chiếc rồi để vào ngăn đá tủ lạnh, ăn dần. Mỗi lần ăn, chị băm nhỏ cùng một ít gan, hành khô sau đó nấu lẫn với cháo để ăn. Chị xuýt xoa: "Ăn ngon lắm cơ, ngọt chẳng khác gì thịt".
Khi được hỏi: thế rau thai đó có chắc chắn an toàn cho sức khỏe không thì chị trả lời: "Bánh rau còn nguyên cả cái, không khuyết chỗ nào, lúc lấy ra vẫn hồng tươi, sản phụ có nhau thai này lại không bệnh tật gì nên bác sĩ bảo: "Tốt, không vấn đề gì". Thế là cứ yên tâm mà ăn thôi".
"Thần dược" nhau thai được nhập lậu từ Trung Quốc
Nhau thai khô được nhập lậu từ Trung Quốc
Tính đến nay, chị Hường "bồi bổ" nhau thai đã được 2 tháng. Nhưng sức khỏe của chị như chị cảm nhận vẫn chưa cải thiện được mấy, vẫn dặt dẹo đau ốm như khi chưa ăn nhau thai. Chị hy vọng có khi phải ăn một thời gian nữa, chắc nhau thai mới có "hiệu quả".
Giống chị Hường, chị Vũ Thanh Thúy ở Ninh Bình lại ra Hà Nội để "săn" nhau thai khô mang về cho chồng bồi bổ. Vì chị thấy trên mạng người ta bàn tán chuyện ăn nhau thai không chỉ tốt cho cả phụ nữ mà còn tốt cho cả đàn ông, giúp nâng cao sinh lực. Thế là chị tay nải tay xách ra Hà Nội, lên tất cả những phố có cửa hàng thuốc Bắc để tìm cho chồng nhau thai.
Sở dĩ chị phải ra Hà Nội để mua loại "thần dược" này là vì: "Cái gì quý nhất, tốt nhất người ta đều mang ra Hà Nội. Vì vậy phải ra Hà Nội mua mới bảo đảm chất lượng". Đi chùn chân mỏi gối, cuối cùng chị Thúy cũng mua được nguyên cái nhau thai khô mang về cho chồng với giá 1 triệu đồng. Chị hồ hởi: "Tôi sẽ mang đi tán nhỏ nhau thai khô sau đó hòa với nước ấm cho chồng uống hoặc cho vào cháo để ăn. Ăn thế "bổ" phải biết!".
Vậy nhau thai thực sự bổ dưỡng hay không?
Theo đông y, nhau thai còn gọi là tử hà sa hoặc cách gọi dân dã khác là: bánh rau, nhân bào, thai bào… Nó có hình dáng như một chiếc lá sen với những mạch máu chạy chằng chịt trên bề mặt, tạo thành màu hồng tươi cho nhau thai. Còn chính giữa, một chiếc "cuống" (cuống rốn) nối bánh rau với thai nhi ở rốn để cung cấp ôxy cũng như các dưỡng chất từ máu của mẹ sang con. Bánh rau hình thành ngay từ khi người mẹ có thai và phát triển ngày một lớn hơn theo thai nhi với các thành phần cấu tạo: nước, chất đạm, các axit amin, một số vitamin và khoáng chất…
Thông thường, đến khi em bé chào đời, nhau thai thường có trọng lượng khoảng 600g. Bên cạnh cung cấp ôxy, các dưỡng chất từ mẹ sang con như đã nói, nhau thai còn có chức năng là một màng lọc giống như phổi để thai nhi thở, tiêu hóa và bài tiết các chất bã, đồng thời là "lá chắn" bảo vệ thai nhi khỏi bị vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, đối với một số virus gây bệnh như rubella, cúm, viêm gan siêu vi, giang mai, lậu, HIV… nhau thai lại không "chống" lại được và vì vậy trong quá trình mang thai, nếu sản phụ bị các vi khuẩn này xâm nhập thì thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề: hoặc là bị dị dạng hoặc là suy dinh dưỡng, bệnh tật…
Cũng từ đây, nguy cơ tiềm ẩn cho những người sử dụng nhau thai dù dưới hình thức nào. Theo bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nhau thai có vị ngọt mặn, tính ẩm, có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, chữa trị các chứng bệnh đau nhức trong xương, hen suyễn… nhưng với điều kiện phải là nhau thai "sạch". Như trước đây, y học đã từng sản xuất thuốc bổ filatop từ nhau thai được lựa chọn từ sản phụ khỏe mạnh.
Tuy nhiên, theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, không thể nào biết được đâu là nhau thai sạch, đâu là nhau thai bẩn do ngoài thị trường đã nhập cả nhau thai từ Trung Quốc về dưới hình thức nhau thai khô hoặc đã được tán thành bột.
Thậm chí, có hiện tượng làm giả nhau thai người từ nhau thai của bò, cừu… Mà nhau thai, theo quy định của ngành y hiện nay, không được coi là dược liệu, chỉ là bệnh phẩm, thậm chí rác thải y tế, phải xử lý theo đúng quy trình của Bộ Y tế đề ra là khi chưa tiêu hủy được phải lưu giữ trong nhiệt độ thấp (tủ lạnh) và cũng phải phân thành loại có bệnh lý và loại không nhằm để riêng biệt, không cho môi trường lưu giữ chung bị lây lan virus. Cho nên khó có thể khẳng định nhau thai bán chui ngoài thị trường là nhau thai sạch.
Lương y Vũ Quốc Trung phân tích: "Do nhau thai chứa nhiều chất đạm nên là môi trường tốt cho vi khuẩn ủ bệnh và phát triển. Ngay cả nhau thai của những sản phụ khỏe mạnh cũng khó có thể khẳng định là không mắc các bệnh liên quan đến máu huyết, tình dục. Chưa kể đến những bệnh về đường tiêu hóa như nhiễm ký sinh trùng, bệnh thuộc về di truyền…".
Một số ý kiến cho rằng, nhau thai khô có thể an toàn hơn do đã được xử lý trước khi sấy khô và nhiệt độ sấy khô có thể tiêu diệt vi khuẩn. Nhưng Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng cho biết, nguy hiểm nhất của nhau thai khô chính là ở chỗ "nhiễm" các chất bảo quản, vi khuẩn gây nấm, mốc… Vì vậy nếu ăn vào, ung thư dạ dày là bệnh khó tránh khỏi cho người sử dụng.
Với tất cả những nguy cơ mà nhau thai có thể gây ra cho con người trên đây, cũng như với sự phát triển của ngành dược hiện nay, rõ ràng con người không nên đặt niềm tin vào nhau thai là thứ thần dược có thể mang lại sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mà chỉ tin vào những dược phẩm đã được khoa học chứng minh.