Chủ tịch Quốc hội thất vọng với Luật Hộ tịch

14:49, Thứ tư 14/08/2013

( PHUNUTODAY ) - “Tôi bức xúc từ lần trước cơ, giờ vẫn bức xúc như thế", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch, chiều 13/8.

(Đời sống) - “Tôi bức xúc từ lần trước cơ, giờ vẫn bức xúc như thế”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch, chiều 13/8.

Thất vọng vì Luật Hộ tịch
 
Theo báo VnEconomy, với dự kiến ban đầu trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2012, dự án Luật Hộ tịch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận lần đầu từ phiên họp tháng 9/2012. Tuy nhiên trước quá nhiều băn khoăn chưa có lời giải thỏa đáng, dự án luật này đã được đề nghị lùi lại để chỉnh sửa, hoàn thiện thêm.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch chiều 13/8 - Ảnh: CTV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch chiều 13/8 - Ảnh: CTV.
 
Tại tờ trình mới, Chính phủ nêu rõ mục tiêu xây dựng dự án Luật Hộ tịch là nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của người dân một cách thuận lợi, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong tình hình mới.
 
Gồm 6 chương và 68 điều, dự thảo quy định nội dung, nguyên tắc đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thẩm quyền, thủ tục đăng ký, cấp xác nhận hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch; hộ tịch viên; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý hộ tịch. 
 
Nội dung đáng chú ý tại dự thảo luật là quy định về số định danh cá nhân, là dãy số tự nhiên được lập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân, được cấp cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
 
Theo lập luận của Chính phủ, khi xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân có một số định danh sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phục vụ tích cực cho việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân, cũng như trong lĩnh vực hộ tịch.
 
Nhấn mạnh yêu cầu phải giảm giấy tờ để công dân thuận lợi trong sinh hoạt làm ăn Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai băn khoăn khi chưa thấy dự thảo làm rõ khi có số định danh cá nhân thì sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cho công dân.
 
Với phân tích hộ tịch với hộ khẩu vẫn là hai loại khác nhau cùng tồn tại, còn thêm cả chứng minh nhân dân, hộ tịch có thêm định danh cá nhân, hộ khẩu định danh gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng như vậy chỉ rắc rối thêm chứ không thay thế gì cả. Sao không gom cả mấy cái này lại để một con người chỉ còn một loại giấy tờ duy nhất phải mang theo người? ông Hiện đặt câu hỏi.
 
Nhấn mạnh lần trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội gác lại dự án Luật Hộ tịch cũng vì những câu hỏi trên nhưng lần này câu trả lời vẫn còn đang nhùng nhằng đã lại trình, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phàn nàn dự án luật như vậy thì trình Thường vụ còn chưa đủ điều kiện chứ nói gì trình Quốc hội.
 
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý làm luật trước hết phải vì lợi ích của người dân, làm sao để chỉ có một loại giấy tờ, cùng lắm 2 giấy thôi. 
 
Hướng về Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – cơ quan thẩm tra dự án luật – Phan Trung Lý, Chủ tịch nói: “Tôi rất thất vọng về luật này mà tôi tưởng ngon lắm rồi đấy ông Lý ạ. Đêm qua ngồi đọc tôi gạch đỏ hết cả rồi đây”.
 
Bức xúc vì nhiều vấn đề
 
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội cũng không giấu được nỗi buồn với ngành tài chính. 
 
Báo Thanh niên đưa tin, sáng 11/7, khi tham gia thảo luận về luật Đầu thầu sửa đổi, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ băn khoăn đến những câu chuyện về lãng phí công khiến nghe đến nó ai cũng phải xót ruột. Ông đặt câu hỏi trực tiếp tới lãnh đạo các bộ, ngành ngồi tham dự: “Có công trình xây dựng, giao thông nào mà không đội giá, các đồng chí thử tìm xem, đội lên hàng nghìn tỉ đồng nhưng rồi lại đâu vào đấy”. 
 
Vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định, các cơ quan quản lý thấy rõ nhưng cuối cùng vẫn phải chạy theo chủ đầu tư để điều chỉnh giá khiến giá xây dựng của Việt Nam đắt nhất khu vực, thế giới. Đặc biệt các công trình giao thông, công trình xây dựng, công trình nào cũng dây dưa kéo dài để đòi điều chỉnh giá.
 
“Đút lót, tiêu cực nhưng không bắt, không xử được, có bắt có xử được mấy đâu. Mà đã nói đấu tranh phòng chống tham nhũng là đây, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí là đây”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bức xúc nói.
 
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, một khi đã để thông thầu thì ắt có tham nhũng, tiêu cực và đề nghị phải có những quy định khi đội giá thì chống thế nào. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng là nhà nước có đầy đủ hệ thống đảng, đoàn thể, cơ quan kiểm tra nhưng các vụ lãng phí lớn đều do người dân, báo chí “tố”, hoặc do đấu đá nội bộ mới vỡ lở. Hàng năm, tất cả các cơ quan đều báo cáo việc này, từ báo cáo kết quả chống tham nhũng đến báo cáo tình hình kinh tế xã hội… nhưng cơ quan thanh kiểm tra vẫn… bất động.
 
Còn nhớ, tại phiên họp ngày 15/4 của UB Thường vụ Quốc hội, khi nghe bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải lớn tiếng chấn chỉnh các cơ quan nhà nước thuộc cấp bộ.
 
Chủ tịch cho “Dự án phải đảm bảo chất lượng, chuẩn bị kỹ rồi mới đưa vào, tránh tình trạng đưa vào rồi lại đưa ra, đưa ra rồi lại đưa vào. Tôi đề nghị quy định phải chín muồi thì mới nên đưa vào, những dự án chưa rõ đầu cua tai nheo thế nào thì chưa đưa vào. Như vừa rồi ban hành nghị định về chứng minh nhân dân có tên cha mẹ, dân người ta bức xúc, bây giờ bảo phải dừng lại, Chính phủ lại đề xuất cái Luật căn cước. Căn cước là cái gì, chắc là chứng minh nhân dân chứ còn gì nữa, sao lắm tên gọi thế, lại còn thêm Luật hộ tịch nữa, bao nhiêu loại giấy tờ, tôi là dân tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi... Các đồng chí cứ vẽ ra lắm loại giấy tờ như vậy là tôi không chịu, có ra Quốc hội tôi cũng nói như vậy”.
 
Trước câu chuyện hoàn ứng – tạm ứng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự phản ứng gay gắt. Ông cho rằng tình trạng tạm ứng dẫn đến nợ xây dựng cơ bản địa phương lên đến gần 100 nghìn tỷ đồng. Ông vừa đọc báo cáo vừa hỏi ngược “như vậy là điều hành ngân sách kiểu gì, tiền đâu mà tạm ứng hàng đống gây ra nợ và tạo ra mất cân đối, anh lấy tiền đâu mà ứng, ứng thế mà sập quỹ à. Mình làm ăn phải có của ăn của để, chứ tiêu thế này có mà chết à?”
 
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, lạm phát khoảng 7-8% là được, còn 6,81% như năm 2012 cũng là tốt, nhưng là “tốt quá” nên ảnh hưởng đến tăng trưởng. “Điều hành như vậy là dở, nếu CPI trên 7% thì bây giờ tăng trưởng không thấp thế, cái này là do điều hành”, ông quả quyết.
 
Ngày 10/4, tại buổi làm việc, xem xét quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 tại UB Thường vụ Quốc hội, bình luận về các con số báo cáo mức thu ngân sách tăng đến 21,3% (vượt 126.800 tỷ đồng) đi liền với tăng chi (tới 8,5%, gần 62.000 tỷ đồng), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi lên những người báo cáo: “Tăng thu, tăng chi, tăng nợ thế có hay không? Tăng thu 21,3% mà tóm lại là vẫn tăng nợ, điều hành như thế là không được, phải rút kinh nghiệm. Tăng thu lẽ ra phải giảm nợ chứ”.
 
Trong buổi thảo luận về dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 10/3, Chủ tịch Quốc hội nói: “Cơ quan soạn thảo mới tính giảm thuế 1% thì giảm thu 6.000 tỷ đồng, nhưng chưa tính có thêm bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn được sẽ đóng thuế thêm. Nếu là Bộ trưởng Tài chính, tôi sẽ cho giảm ngay xuống mức 20%”.
 
“Tư duy thiết kế luật thuế phải tính được nếu giảm đi 1% thuế suất sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh thế nào, thay vì chỉ tính toán đơn thuần là ngân sách còn – mất bao nhiêu. Đặc biệt, các sắc thuế cần tính đến khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng khó khăn…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
  • An Khanh (Tổng hợp từ Vneconomy, Phunutoday)

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc