Cách sơ chế dọc mùng
Dọc mùng là nguyên liệu có thể dùng để nấu các món canh, món bún như canh chua, cành sườn, canh cá, bún bung... Miếng dọc mùng giòn giòn, ngấm gia vị ăn rất bắt miếng. Mặc dù thích ăn dọc mùng nhưng nhiều người e ngại vì loại thực phẩm này có thể gây ra tình trạng ngứa miệng, ngứa họng khi ăn. Ngoài ra, trong quá trình sơ chế, lột vỏ dọc mùng, nếu để da tay tiếp xúc trực tiếp với dọc mùng, bạn cũng có thể bị ngứa rất khó chịu.
Để ngăn tình trạng ngứa tay khi sơ chế dọc mùng, cách đơn giản nhất là đeo găng tay để tánh tiếp xúc trực tiếp với các chất gây kích ứng. Nếu không có găng tay, bạn cũng có thể sử dụng túi nilon bọc bên ngoài tay, miễn sao để da không tiếp xúc với dọc mùng là được.
Trường hợp không đeo găng tay hay bất cứ thứ gì bảo vệ tay, bạn có thể rửa tay và rửa dọc mùng bằng nước muối để hạn chế bị ngứa.
Dọc mùng mua về nên rửa qua với nước để loại bỏ bùn đất ở bên ngoài. Sau đó, tước hết phần vỏ xanh ở bên ngoài. Cách tước rất đơn giản, làm như cách tước vỏ chối là được. Cắt bớt phần cong bên trong của dọc mùng. Cắt dọc mùng thành miếng vát vừa ăn.
Cho dọc mùng vào chậu, thêm một thìa muối hạt và trộn đều. Ướp dọc mùng với muối khoảng 15 phút. Muối sẽ giúp loại bỏ các chất gây ngứa có trong dọc mùng, từ đó tránh được tình trạng ngứa miệng, ngứa họng do ăn dọc mùng.
Cho dọc mùng ngâm muối vào chậu nước và dùng tay vò nhẹ. Rửa qua vài nước cho dọc mùng hết mặn. Vắt nhẹ cho dọc mùng ráo nước và để vào rổ.
Đặt một nồi nước lên bếp và đun sôi. Cho dọc mùng đã rửa vào chần sơ trong vài phút. Nhiều người không thực hiện bước này nhưng đây là bước giúp loại bỏ phần còn lại của các chất gây ngứa trong dọc mùng. Vớt dọc mùng ra rồi xả bằng nước lạnh vài lần. Làm theo cách này, dọc mùng sẽ không gây ngứa khi ăn.
Ngoài cách sử dụng muối, bạn có thể dùng giấm để bóp cùng dọc mùng. Thoa giấm vào tay cũng giúp tránh tình trạng ngứa do sơ chế dọc mùng.
Cách giảm ngứa khi sơ chế và ăn dọc mùng
- Sử dụng sữa
Nếu tay bị ngứa do tiếp xúc với dọc mùng trong lúc sơ chế, bạn có thể để một ít sữa ra tay. Xoa đều sữa lên toàn bộ tay. Sau một lúc, cảm giác ngứa sẽ dịu đi. Bạn có thể rửa lại tay bằng nước sạch.
- Chườm nóng tay
Nếu cảm thấy rất ngứa ở tay do chạm vào dọc mùng, bạn có thể hơ nóng một chiếc khăn và chườm đều lên những vị trí bị ngứa. Khăn nóng sẽ giúp làm dịu và giảm cảm giác ngứa.
- Sử dụng đường
Đổ một ít đường ra tay rồi chà nhẹ. Khi đường tan hết, bạn có thể rửa lại tay bằng nước sạch. Đường sẽ giúp giảm cảm giác ngứa ở tay do dọc mùng gây ra.
- Sử dụng nước muối gừng
Nếu bị ngứa miệng và ngứa họng do ăn dọc mùng, bạn có thể đập đập một ít gừng tưới, ngâm vào trong cốc nước muối loãng. Dùng nước này để súc miệng và súc họng. Cảm giác ngứa sẽ giảm đi.
- Uống nước ấm
Nếu không có gừng và nước muối, bạn có thể súc miệng bằng nước ấm. Nước ấm sẽ giúp rửa trôi các chất gây ngứa, giúp làm dịu miệng và cổ họng.