Câu chuyện bán lược cho sư
Câu chuyện đại ý rằng một công ty đã tuyển nhân sự bằng việc giao cho họ đi bán 100 chiếc lược cho nhà sư. Có 3 ứng viên thì mỗi người có một cách khác nhau.
Người thứ nhất mang lược tới mời nhà sư mua và bị mắng vì tội "xúc phạm" người không có tóc nên bị xua đuổi. Nhưng người này vẫn rất kiên trì chịu đựng ở ngoài cửa. Về sau có một vị sư thương tình đã mua cho anh một chiếc lược.
Người thứ hai đi lên chùa thấy gió thổi bay rối tóc, người này đã bày tỏ quan điểm với trụ trì rằng thiện nam tín nữ lên chùa mà tóc rối bời thì không trang nghiêm, nhà chùa nên chuẩn bị lược để họ chải tóc trước khi thắp hương lễ Phật. Trụ trì nghe có lý nên đã mua lược của người này, nhà chùa có 10 lư hương thì mua 10 chiếc lược.
Người thứ ba tìm tới chùa lớn nhất vùng nói với trụ trì rằng chùa thường có đông thiện nam tín nữ tới dâng hương, thiết nghĩ nhà chùa cũng nên có chút tặng phẩm khuyến khích họ làm việc thiện, hơn nữa sư biết thư pháp xin viết vài chữ "Lược tích thiện" trên lược tặng cho phật tử. Trụ trì thấy có lý nên đã mua 100 chiếc lược viết chữ "Lược tích thiện" tặng cho người đi lễ chùa. Sau đó thiện nam tín nữ tới chùa càng nhiều, nhà sư đã hợp đồng mua thêm lược của công ty.
Ở một thử thách khó như thế, bán lược cho sư mà vẫn có thể bán được thì cuộc đời này không có cái khó nào không vượt qua, nhưng vượt qua thế nào thì tùy từng người. Bạn làm gì bạn sẽ nhận về xứng đáng. Đây không chỉ là bài học cho bạn trong kinh doanh kiếm tiền mà còn là bài học cho bạn trong cuộc sống với nhiều ý nghĩa.
Đừng chờ vào lòng thương của người khác
Nếu bạn trông chờ vào lòng thương của người khác thì kết quả giống như người bán hàng thứ nhất, bạn không bao giờ khá lên được, cả đời khó giàu. Muốn sống tốt chỉ có thể dựa vào chính mình, tự mình bứt phá tự mình thay đổi.
Ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra đừng có "miệng nhanh hơn não"
Một trong những điều cần nhớ khi đọc chuyện bán lược cho sư là bạn sẽ thấy mọi thứ tưởng khó xảy ra vẫn có thể xảy ra. Nhiều người khi nghe bảo đi bán lược cho sư sẽ vội phản bác là ý tưởng dở hơi, việc đó không bao giờ được. Nhưng sự thực vẫn bán được thậm chí bán được nhiều. Do đó khi thấy sự việc không như tư duy thông thường của ta cũng đừng vội phản biện để bộc lộ ta là kẻ miệng nhanh hơn não. Hãy nghĩ chín chắn hơn.
Trong khó khăn đừng than thở và xin thương xót
Nếu đã là khó khăn tới thì than thở càng thêm khó khăn chứ khó khăn không rời đi bởi lời than thở của bạn. Cầu xin sự thương xót của người đời là một điều mong manh. Bởi thế chỉ có dám làm dám chịu mới có thể thay đổi. Trong khó khăn thì người giỏi vẫn vượt qua được. Dân gian nói cái khó ló cái khôn, nhưng muốn cái khôn ló ra thì không than mà phải phanat ích được mọi yếu tố xung quanh để có giải pháp. Đừng để tốn năng lượng vì việc than khó.
Giá trị bạn tạo ra tương ứng với thứ bạn nhận được
Đừng ghen tỵ với người khác, đừng đổ thừa cho thiếu may mắn. Như 3 người bán hàng trên, mỗi người nhận về giá trị tương ứng với công sức và trí tuệ của mình. Người thứ nhất tư duy cũ, chỉ biết chăm chỉ, người thứ hai dám nghĩ dám làm, người thứ ba thông minh tài trí mang giải pháp giải quyết vấn đề của người khác. Thế nên giá trị họ nhận về khác nhau.
Ở đời chăm chỉ chưa đủ phải thông minh
Làm việc chăm chỉ là cần thiết nhưng chưa đủ. Phải vò đầu suy nghĩ, phải có trí tuệ mới bứt phá. Vì thế luôn luôn phải học hỏi sáng tạo và đổi mới.
Vận mệnh của chúng ta do chúng ta tạo
Cùng ở hoàng cảnh khó khăn như bán lược cho sư nhưng mỗi người sẽ có vận mệnh khác nhau, phụ thuộc vào cách làm, tư duy của mỗi người. Bởi thế đừng đổ lỗi cho số phận, đừng đổ lỗi cho người khác mà hãy tiên trách kỷ hậu trách nhân. Hãy nhớ vận mệnh của chúng ta phụ thuộc vào sự cố gắng của bản thân chúng ta.