Xuất thân là con gái Hàng Đào, 13 tuổi đã buôn thông bán thạo tơ, lụa, vải vóc. 20 tuổi được kế thừa việc kinh doanh của gia đình nhà chồng. Nhờ uy tín, tài năng, tâm lực, trí tuệ, vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong và cả ngoài nước, trở thành một trong những gia đình kinh doanh hàng đầu Hà thành giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Căn nhà bí mật
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (SN 1914, tức quả phụ Trịnh Văn Bô - mọi người gọi theo tên chồng) tròn 100 tuổi vào năm ngoái, hiện đang sống tại ngôi nhà số 34, đường Hoàng Diệu. Cụ bà với mái tóc đã bạc trắng như cước nhưng trong từng lời nói vẫn còn ánh lên sự minh mẫn, hoạt bát, sáng suốt.
Trong giới kinh doanh những năm đất nước tiền khởi nghĩa giai đoạn trước và sau năm 1945, không mấy ai là không biết đến thương hiệu Trịnh Văn Bô. Căn nhà số 48 Hàng Ngang là một trong những tiệm kinh doanh vải, tơ lụa … lớn nhất nhì miền Bắc, không chỉ phục vụ cho người Việt mà còn giao thương khắp khu vực Đông Dương, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Ít người ngờ tới, ngoài việc kinh doanh buôn bán, thì căn nhà số 48 Hàng Ngang còn là nơi hoạt động bí mật của phong trào Việt Minh lúc bấy giờ.
Cụ bà Trịnh Văn Bô nhớ như in từng chi tiết trong ngôi nhà đã gắn bó gần trọn cuộc đời mình: “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang có hai mặt phố, thiết kế theo kiểu nhà ống xoáy trôn ốc đặc biệt, toàn bộ dãy nhà xuyên suốt nối từ bên Hàng Ngang sang Hàng Cân và mặt sau từ Hàng Cân đến Lương Văn Can.
Bà quả phụ Trịnh Văn Bô |
Ngôi nhà chỉ có một cầu thang, nhưng cả đằng trước và đằng sau đều có lối lên và có 3 khoang nhỏ, ở khoang cuối lại có một ngách nhỏ mà chỉ người trong gia đình mới biết. Khi có người lạ hay là cướp tấn công thì sẽ có lối thoát men theo ngách nhỏ. Nhờ đặc điểm này mà khi Tổng bí thư Trường Chinh tới thăm cụ và gia đình, sau đó đã mời Hồ Chủ tịch về đây ở. Trong khoảng thời gian này Bác đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập ngay chính tại đây.
Nhớ lại những năm tháng đất nước chìm ngập trong khó khăn, cụ bà Trịnh Văn Bô bộc bạch. “Thời gian đầu, khi đất nước còn nhiều khốn khó, gia đình tôi mải miết vào việc kinh doanh buôn bán, chẳng có thời gian để ý Đảng làm gì, cũng không biết cán bộ cách mạng như thế nào. Nhưng sau này, có người lên thăm nói về đoàn thể Việt Minh. Vì là mục đích đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc nên tôi theo phong trào Việt Minh”.
Khi biết phong trào Việt Minh, gia đình bà đã quyên góp tiền và đứng ra ủng hộ để cống hiến cho Nhà nước. Từ đó ngôi nhà số 48 Hàng Ngang trở thành cơ sở hoạt động bí mật, che chắn đảm bảo an toàn cho cán bộ cách mạng hoạt động. Theo cụ Bô, để tránh bị phát hiện và soi mói, người của Việt Minh ra vào ngôi nhà này đều đóng giả là người mua hàng tơ lụa, vải sợi như người đi buôn. Vì thế mà các thế lực thù địch không thể ngờ được, tiệm kinh doanh buôn bán vải, tơ, lụa của gia đình Trịnh Văn Bô lại là nơi tập kết của Việt Minh.
Hiến tặng Nhà nước 5.000 lượng vàng
Ngay khi kết nối được với phong trào Việt Minh, gia đình quả phụ Trịnh Văn Bô đã giúp đỡ về mọi mặt, tạo điều kiện tốt nhất cho các cán bộ hoạt động. cụ Bô giãi bày: “Trước năm 1945 việc buôn bán của gia đình gặp nhiều bế tắc, vì tại thời điểm đó, hàng chỉ có nhập vào mà không xuất ra được. Khi ấy vợ chồng tôi phải bán đi 17 hòm tơ bóng, loại tơ hóa học được 1 vạn 200 lạng để ủng hộ cho đoàn thể Việt Minh vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Thấy phong trào vẫn còn thiếu hụt nhiều, hai tháng sau, vợ chồng tôi lại tiếp tục ủng hộ thêm 2 lần nữa, một lần hai vạn và một lần 1 vạn rưỡi để có tiền phục vụ cho Cách mạng.
Ông Trịnh Cần Chính, con trai thứ 6 của cụ Bô và những tấm bằng khen mà Nhà nước trao tặng |
Tính từ ngày trước khởi nghĩa, tôi ủng hộ 8 vạn rưỡi đồng Đông Dương trị giá 212,5 lạng vàng. Đến ngày tổng khởi nghĩa, một cán bộ Việt Minh đưa hai vợ chồng tôi vào ban vận động Quỹ Độc lập, tôi tiếp tục ủng hộ 20 vạn đồng tương đương với 500 lạng vàng, sau đó, tôi còn đi vận động cho quỹ được hơn 1 triệu đồng Đông Dương”.
Khi nghe Bác Hồ sáng kiến thành lập Quỹ Độc lập và phong trào Tuần lễ vàng vợ chồng bà đã ủng hộ 117 lạng vàng, tiếp tục vận động trong giới công thương được thêm 4 nghìn lạng. Cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình nhà tôi đã ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng.
Tổng bí thư Trường Chinh thấy căn nhà 48 Hàng Ngang là một địa điểm an toàn, bí mật nên đã đón Hồ Chủ tịch về. Bác Hồ về ngày 24.8.1945 và ở lại cho đến 27/9. Mặc dù còn nhiều khó khăn, mua 3 đồng 1 tạ gạo, ăn cơm tính bằng xu nhưng trong khoảng thời gian Bác Hồ về hoạt động cách mạng, gia đình cụ Trịnh Văn Bô nhiều lần ủng hộ từ tiền ăn uống đến việc tiếp đoàn đại biểu người Pháp, khách Trung Quốc rồi Nhật. Về sau người Pháp nói rằng bà Trịnh Văn Bô là Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh.
Cụ Bô cho biết sau khi Cách mạng thành công, các đảng đối lập có ý định bắt cóc con cụ để lấy tiền nhưng may mắn có phong trào Việt Minh bảo vệ. Lúc đó, cụ không dám cho con cái đi học và phải gửi ở nơi khác an toàn hơn. Nhắc lại chuyện kinh doanh, cụ bà Trịnh Văn Bô tâm sự: “Thời xưa kinh doanh làm chủ vất vả lắm, phải lao động cả chân tay lẫn trí tuệ, thời gian nghỉ còn không có, nói gì đi nghỉ mát như bây giờ”.
Những ngày đầu cụ khởi nghiệp chỉ bằng 30 ngàn Đông Dương nhưng nhờ tính cần cù, cẩn thận và tiết kiệm, cộng với uy tín đã được cha ông chuyển nhượng lại từ đời trước nên việc kinh doanh của gia đình ngày càng lớn mạnh dần. Khi đã tạo được thương hiệu thì các thương nhân đều rất tin tưởng. Cụ Bô cho biết thêm, hồi còn nhỏ, ở gần nhà có phiên chợ tơ, 5 ngày họp một lần nên cụ rất thích, khi mua về rồi bán lại, mỗi lần được lãi một đến hai hào. Cứ mua đi bán lại rồi quen người nọ, người kia nên việc buôn bán dễ dàng hơn rất nhiều.
“Ân nhân của cách mạng”
Đó là câu nói mà Bác Hồ dành tặng cho vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô khi gia đình cụ đã trực tiếp cống hiến và quyên góp tiền, vàng để nuôi và trang bị sức khỏe, phương tiện, vật dụng cho cán bộ cộng sản.
Cụ nhớ lại, sau Tuần lễ vàng, Bác Hồ cho người phục vụ xuống mời hai vợ chồng lên gặp. Khi lên đến nơi thì cụ Bô thấy một số các đại biểu đang ngồi đợi sẵn, bên cạnh có bày chiếc ngà voi, trên đó có khắc hình 15 con voi, mỗi con bằng ngón chân cái, con nọ bắc vòi con kia. Bác bảo là gia đình và cách mạng nên đoàn kết như bầy voi này, sau đó Bác đã tặng lại chiếc ngà voi cho gia đình.
Bác còn gọi vợ chồng cụ Bô là ân nhân của cách mạng, đã nuôi cách mạng khôn lớn, trang bị cho cán bộ cộng sản sức khỏe, niềm tin để chiến thắng kẻ thù… khiến vợ chồng cụ Bô xúc động, nghẹn ngào.
Khi Bác đi, cụ bà Trịnh Văn Bô đã dành tặng Bác và các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ bài thơ về nỗi xúc động của mình.
“Thật là hiếm thấy cả xưa nay
Tư sản bà làm cách mạng này
Giúp đỡ Việt Minh hồi khốn khổ
Chăm nom lãnh đạo những hồi gay
Sá chi tủ két vơi vàng bạc
Miễn được giang san mở mặt mày
Tổ quốc anh hùng nay vững mạnh
Đầu hàng giai cấp vẻ vang thêm”
Mong muốn của cụ Bô hiện nay là Nhà nước nên quan tâm hơn nữa đến đồng bào, miền sâu miền xa vẫn còn đói nghèo lạnh lẽo. tạo điều kiện cho họ có việc làm, trước là để làm giàu cho gia đình, sau là giúp nước, giúp dân.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, năm ngoái, Bộ Tài chính biên soạn cuốn sách: “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam”, nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Chính phủ và ngành tài chính. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại thủ đô để nhiều thế hệ sau vẫn còn nhớ tới nhà tư sản yêu nước này”- ông Trịnh Cần Chính, con trai thứ 6 của cụ Trịnh Văn Bô cho biết.
Xúc động thước phim “Những giây phút cuối cùng của Bác Hồ” (Xã hội) - (Phunutoday)- Hình ảnh thân yêu của Bác trong thước phim “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ” để lại nhiều tình cảm mến thương trong lòng mỗi người con Việt Nam |
Nhìn lại những bức ảnh đời thường xúc động của Bác Hồ (Xã hội) - (Phunutoday) - Là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam nhưng cuộc sống thường ngày của Bác rất đỗi giản dị. |