Vẫn còn F0 lẩn khuất trong cộng đồng
Gần đây, số ca mắc trong cộng đồng ở Hà Nội có xu hướng giảm tuy nhiên hiện vẫn còn những ca F0 trong cộng đồng. Nếu người dân không có ý thức tốt, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan và bùng phát.
Mới đây nhất, trong sáng 22/9, TP. Hà Nội phát hiện thêm 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại quận Hà Đông.
GS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng chia sẻ với VOV, sau một thời gian tiến hành giãn cách, đến nay, dịch ở Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Trên địa bàn thành phố chỉ còn một số ổ dịch nhỏ. Tuy nhiên, nguy cơ dịch vẫn còn cao.
Chuyên gia này khẳng định, hiện vẫn còn các F0 lẩn khuất trong cộng đồng. Nếu người dân không có ý thức, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan.
Ông lấy dẫn chứng về việc tập trung đông người, gây tắc nghẽn tại một số tuyến đường trong đêm Trung thu 21/9 cho thấy người dân đang chủ quan. Theo chuyên gia, nếu trong đám đông đổ ra đường tối qua, chỉ cần có 1 ca F0 thì dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh. Việc truy vết lúc này sẽ rất khó khăn vì không biết ai lây cho ai, ai tiếp xúc với ai. Đây là điều hết sức nguy hiểm.
Không được chủ quan dù đã tiêm vắc xin
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết dù thành phố nới lỏng các hoạt động dịch vụ nhưng việc thực hiện 5K là rất quan trọng. Nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong các hoạt động vui chơi, tập trung đông người, để dịch bệnh bùng phát thì thành phố lại phải giãn cách xã hội.
"Hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin ở Hà Nội cho người trên 18 tuổi mặc dù cao nhưng chưa đủ. Hơn nữa trẻ em vẫn chưa được tiêm vắc xin. Người trẻ có sức đề kháng tốt nhưng mầm bệnh bên trong thì vẫn có thể lây nhiễm cho người khác được. Điều này là rất nguy hiểm. Hơn nữa biến thể Delta lây lan rất nhanh, nếu một người trong hàng nghìn người kia đang nhiễm virus SARS-CoV-2 thì là một điều rất lo ngại", PGS Nga chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm tưng tự, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết trên thực tế có những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn nhiễm virus biến chủng. Người dân không được lơ là vì hiện nay những biến chúng đột biến của virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện.
Tiến sĩ Kính chia sẻ: "Biến chủng Delta và biến chủng từ Châu Phi đã vô hiệu hóa tất cả các loại vắc xin Covid-19 hiện có. Tiêm rồi cũng không có ý nghĩa gì mấy. Chúng ta có tiêm thì cũng chỉ giảm tử vong, bệnh nhẹ đi, chứ không phải giảm được nguy cơ bùng phát dịch. Như vậy dịch sẽ kéo dài giống như HIV. Dịch HIV xuất hiện năm 1981 và đến bây giờ vẫn tồn tại. Trong 3 năm đầu xuất hiện dịch HIV, các nước đều tìm cách xoá số dịch bệnh này nhưng sau đó phải xác định sống chung với dịch bệnh".
Cả 4 đợt dịch ở nước ta đều nghi nhận tới 80% số ca nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Đây cũng chính là lý do khiến mầm bệnh âm thầm phát tán trong cộng đồng.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Cường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết kể cả khi dịch được đẩy lùi và phần lớn người dân được tiêm đủ mũi vắc xin, chúng ta vẫn cần phải duy trì các biện pháp 5K.
Tiến sĩ Đỗ Tất Cường nói: "Chúng ta nhìn thấy rất rõ là với biến chủng Delta này, với Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố, cứ tưởng là đã giải quyết xong đợt dịch thứ 4 nhưng sẽ có đợt dịch thứ 5 vì virus cứ biến chủng mãi và vaccine sẽ không trở thành công cụ hiệu quả với từng loại vắc xin."
"Dù tiêm vắc xin gì thì cũng phải tiêm nhắc lại, chứ không phải cứ tiêm là có miễn dịch suốt đời. Chúng tôi đã làm xét nghiệm kháng thể sau 9 tháng tiêm vắc xin Covid-19 thì thấy kháng thể giảm nên phải tiêm nhắc lại…", Tiến sĩ Cường cho biết.
Dù đã tiêm đủ vắc xin, nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn bởi nó chỉ có thể giúp người tiêm giảm được mức độ nặng của bệnh. Do đó, thông điệp mà Bộ Y tế đưa ra vẫn là vắc xin + 5K.