Chuyên gia chia sẻ về di chứng ở trẻ F0: Có một việc cha mẹ tuyệt đối tránh để trẻ không bị ám ảnh

( PHUNUTODAY ) - Khi có con là F0, cha mẹ cần bình tĩnh đánh giá mức độ nặng nhẹ của con. Theo dõi sát sao triệu chứng để quyết định để con ở nhà hay đưa đi viện.

Hiện nay, số lượng F0 là trẻ nhỏ đang tăng mạnh. Nhất là lứa tuổi chưa được tiêm vắc xin khiến nhiều cha mẹ cực kỳ lo lắng. Dù trẻ nhiễm Covid-19 ít triệu chứng, nhanh khỏe hơn người lớn nhưng thường để lại di chứng.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, BV Việt Đức đã có những buổi livestream để đồng hành cùng các F0 nói riêng tất cả những người quan tâm đến sức khỏe nói chung. Trong livestream ngày 24 tháng 2, bác sĩ Khánh đã chia sẻ một vấn đề liên quan đến COVID-19 ở trẻ em đang rất được các bậc cha mẹ quan tâm.

5

Nhiều trẻ em có triệu chứng nhiễm COVID-19, có cần test ngay không?

Nếu các cháu có triệu chứng, test được thì tốt, còn nếu chưa thể test thì vẫn cần chăm sóc và cách ly xem như con là F0 vì đây là giai đoạn nhạy cảm. Mẹ hoặc bố vẫn cần đeo khẩu trang để chăm sóc con.

Nếu cháu sốt, sụt sịt, tốt nhất là vẫn test, bằng ngoáy mũi hoặc nước bọt.

Hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 (MIS-C) ở trẻ em, cha mẹ có cần lo lắng quá không?

Đây là một trong những vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên bác sĩ Trần Quốc Khánh cho rằng điều này không đáng lo vì những lý do dưới đây:

- Theo các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ báo cáo, tỷ lệ mắc MIS-C cực kỳ thấp (3000 trẻ mới có 1 trẻ).

- Biểu hiện thường từ 4-6 tuần sau khi đã khỏi COVID-19.

- Biểu hiện viêm đa hệ thống là viêm ở nhiều hệ thống, ví dụ, ở da (nốt sần, xuất huyết, ngứa...), đường tiêu hóa (nôn, tiêu chảy), tim mạch (viêm cơ tim...). Tuy nhiên, trong các tổn thương đó thì tổn thương ở tim được ghi nhận nhiều.

- Trẻ sẽ trở lại bình thường từ 3-6 tháng và không có dấu vết gì.

- Khả năng tự chữa lành của trẻ cao, do đó sẽ không có quá nhiều nguy hiểm.

Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng.

Bên cạnh những di chứng hậu COVID-19 phổ biến hiện nay, bác sĩ Khánh nhấn mạnh có một vấn đề cha mẹ cần đặc biệt chú ý đó là hội chứng tự kỷ ám thị.

Theo bác sĩ Khánh, vấn đề này đến từ thói quen lo lắng, sợ hãi của cha mẹ, cho rằng những biểu hiện sau khi đã khỏi bệnh là do di chứng để lại. Việc này khiến đứa trẻ bị ám thị và ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, thậm chí là tương lai sau này.

Để tránh tình trạng này, các gia đình nên hạn chế nói với con những điều tiêu cực. Mọi người nên giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và bình tĩnh. Vấn đề tâm lý luôn được đặt lên hàng đầu và quyết định chất lượng điều trị cũng như cuộc sống về sau của chúng ta. Đồng thời, tất cả mọi người vẫn cần đề cao cảnh giác, giữ vững tinh thần để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân một cách tốt nhất.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link