Chuyện gia đình ngọt ngào của GS và PGS trẻ nhất Việt Nam

14:08, Thứ bảy 19/11/2011

( PHUNUTODAY ) - xã hội, ông đã xây không biết bao nhiêu cột trụ, đào tạo ra không biết bao nhiêu thế hệ học trò, trong đó không thiếu GS, TS. Nhưng trong ngôi nhà nhỏ của chính mình, mọi việc ông đều cậy nhờ vào vợ.

(Phunutoday) - Tôi đến thăm nhà GS. TSKH Nguyễn Văn Khuê sau khi con trai ông - GS Nguyễn Quang Diệu và học trò cưng của ông - PGS Phạm Hoàng Hiệp cùng một ngày được công nhận là GS và PGS trẻ nhất từ trước tới nay ở tuổi 37 và 29. 
Căn nhà xinh xắn nằm trong một ngách nhỏ yên tĩnh của khu Tập thể Đại học sư phạm này hoàn toàn do một tay vợ ông xây. “Bà ấy còn không cho tôi ngó. Cứ bao giờ xong thì đến ở”. Ông là một tấm gương lớn về tự học. Cả cuộc đời dạy học trong “ngôi nhà lớn” - xã hội, ông đã xây không biết bao nhiêu cột trụ, đào tạo ra không biết bao nhiêu thế hệ học trò, trong đó không thiếu GS, TS. Nhưng trong ngôi nhà nhỏ của chính mình, mọi việc ông đều cậy nhờ vào vợ.
GS. TSKH Nguyễn Văn Khuê

Người vợ “lớn” sau lưng nhà khoa học
 
Ông bà cưới nhau năm 1973, khi ông 33 tuổi, đang là một thầy giáo nghèo dạy ở một ngôi trường “vét đĩa” thời đó là trường đại học Nông nghiệp. Bà lúc đó 26 tuổi, đang công tác ở tận Thanh Hóa. Tháng 3 năm đó, Mỹ vừa kết thúc đánh bom miền Bắc, ông cùng người bạn làm mai mối lần mò đạp cái xe đạp cọc cạch về tận Thiệu Hóa để gặp bà. Vốn thích những người có học, lại được giới thiệu ông là một “bác học nghèo”, bà ưng ngay từ lần gặp đầu tiên.
 
Mẹ bà - nguyên là một cán bộ cao cấp, tỉnh ủy viên, trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy Thanh Hóa, dòng dõi họ Hồ ở Quỳnh Đôi, cũng chẳng câu nệ nguồn gốc xuất thân, hoàn cảnh của con rể, chỉ bảo “thầy giáo chắc là tử tế”. Họ cưới nhau đơn giản như thế, bất chấp khoảng cách xa xôi và sự khó khăn đi lại thời đó. Chẳng có gì trong tay, lương giáo viên thì nghèo lắm, nên cưới xong ông lại về ở tập thể trường, còn bà tiếp tục ở quê với mẹ.
 
Ngoài việc mỗi tháng tìm cách về thăm vợ một lần, ông bảo: “Tôi chẳng giúp gì được cho bà ấy”. Ông có đủ những “tật” của một nhà khoa học, chỉ vùi đầu vào sách vở, chẳng biết tiền bạc là gì và nó đến từ đâu. Suốt từ năm cưới cho đến tận năm 1990, gia đình ông sống dựa chủ yếu vào lương hưu và sổ B (được tiêu chuẩn nhiều lương thực hơn) của mẹ bà. May nhờ thế, cảnh sống thanh bần, không sung túc, nhưng cũng không đói khổ.
 
Bà làm dược sỹ, nếu biết buôn bán thì giàu to, nhưng bà chẳng buôn gì. Ông làm giảng viên, cũng chỉ có đồng lương. Trong hoàn cảnh eo hẹp, khó khăn chung, bà vẫn cố gắng co kéo để chồng con tuy không sung sướng, thì cũng không quá thiếu thốn.
 
Cả cuộc đời mình, ông đã sống trọn vẹn với khoa học, đến nỗi khi mẹ bà mất, không còn suất lương hưu vốn chiếm hơn 1 nửa thu nhập của cả gia đình, ông gặp rắc rối to. May khi ấy tại chức, cao học mở ra, ông dạy thêm mới kiếm đủ tiền mà sống. Bởi thế,  khi nhắc đến gia đình, ông chỉ nhìn vợ cười: “Bà ấy gánh vác mọi thứ”.
 
Năm 1974, bà sinh người con đầu Nguyễn Quang Diệu tại Thanh Hóa thì ông đang ở Hà Nội. Đến năm 1977, 3 ngày trước khi bà ở cữ người con thứ 2 Nguyễn Quang Vũ, ông lên đường ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Bà ở nhà tự xoay xở với bụng bầu vượt mặt, một mẹ già và một con mới chưa đầy 3 tuổi. Ngay cả lúc chẳng có ai bên cạnh khi bà xoắn xuýt với cơn đau đẻ, bà cũng không tủi thân. Ẩn sau thân hình bé nhỏ của bà là một nghị lực ghê gớm.
 
Đến năm 1980, sau 7 năm, mỗi người một nơi, bà tự xin chuyển công tác ra Hà Nội ông cũng không hề biết. Sau này ông kể lại: “Không hiểu lúc đó bà giận hay sao, mà có đến mấy tháng chẳng nhận được thư từ gì, tôi còn chẳng biết vợ con đang ở đâu”. Sốt ruột, ông mới xin nghỉ để vào Thanh Hóa tìm, thì được tin: “Vợ con mày đang ở Giảng Võ”. Tìm đến nơi, thấy 3 mẹ con có cả nhà ở đàng hoàng, ông sốc lắm. Đến năm 2001, khi xây ngôi nhà đang ở bây giờ, cũng một tay bà lo liệu cả. Ông chỉ biết ngày khánh thành thì đến ở.
 
Giờ nhớ lại, ông cười khì khì bảo, bà không cho ông đến, chỉ đến ngõ là bị đuổi về, vì ông đã chẳng làm được gì còn hay nói. Nếu nhìn nhận theo những tiêu chuẩn cổ điển thông thường, ông không phải người đàn ông kiểu mẫu. Bà bảo, chân tay ông vụng về, làm gì cũng hỏng, ngay cả đóng cái giá sách cũng không xong. Trong những thời khắc quan trọng nhất của gia đình, ông chỉ hiện diện về mặt tinh thần. Thế nhưng trong mắt bà, ông vẫn là một người chồng tuyệt vời. Niềm tự hào về chồng, về con hiện lên trong từng ánh mắt rạng rỡ khi bà kể về họ.
 
Niềm hạnh phúc trong ngôi nhà “không nói”
Vợ và 2 con của GS Nguyễn Văn Khuê trong những ngày ông đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài

Ông bà nuôi con ăn mặc thì giản dị, nhưng lớn lên trong sách. Lúc còn nhỏ thì 2 anh em Nguyễn Quang Diệu, Nguyễn Quang Vũ chơi với sách, kê sách làm ghế ngồi. Đến lúc lớn lên thì đọc sách. Cả 2 con bà đều thông minh, thích quan sát và tự học hơn là nói, nên nhìn bố mẹ mà sống theo, không bao giờ đòi hỏi gì. 

Bà chỉ nhớ có một lần, không biết Diệu nghe ở đâu được về món ếch, về hỏi: “Ếch có ngon không hả mẹ? Chợ nhà mình có bán ếch không hả mẹ? Mùi vị nó thế nào hả mẹ?”, nhưng cũng không đòi mẹ mua cho ăn.
 
Vũ thì từ bé mặc thừa quần áo của anh, đến tận năm cấp III mới lần đầu đỏ mặt “đấu tranh”: “Con cũng cần quần áo mới chứ”. Rắc rối lớn nhất mà 2 anh em gây ra là một lần, Nguyễn Quang Diệu làm gãy tay em trong lúc chơi đùa, và một lần khác, Diệu thụt xuống phi nước, suýt chết đuối, nhưng được cậu em tháo vát nhanh chóng đưa cho cái gậy để bơi vào.
 
Hai anh em cứ thế, lẳng lặng lớn lên, lẳng lặng học hành và lẳng lặng tự vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuy cả 2 đều học chuyên toán từ nhỏ, đều chăm chỉ học hành, nhưng Nguyễn Quang Diệu sớm tỏ ra có thiên hướng khoa học hơn. Anh rất ham mày mò, đặt ra những câu hỏi “linh tinh”. Hồi đó, hầu như ngày nào mẹ đi làm về cũng thấy anh lon ton cầm quyển sổ nhỏ chạy ra khoe: “Con đã tìm ra một định lý mới”. Dù đó chỉ là câu chuyện trẻ con, từ “định lý” chắc là nghe lỏm từ bố, chứ không phải phát kiến khoa học vĩ đại gì, nhưng Nguyễn Quang Diệu rất say sưa với nó.
 
Ngay cả trong cách cư xử hàng ngày, Nguyễn Quang Diệu cũng chân phương và chính xác như... khoa học. Ông bà vẫn nhớ lúc 2 anh em còn bé, có mấy đồng tiền mừng tuổi, ra đường bị các anh lớn trấn lột mất. Trong khi Nguyễn Quang Diệu chẳng nói chẳng rằng, có bao nhiêu trong túi vét ra đưa sạch, thì Vũ biết lí sự là: “Thôi tiền chẵn thì các anh cầm, cho em xin mấy đồng tiền lẻ”. Nguyễn Quang Vũ “láu cá” hơn.
 
Từ những năm cấp II, thấy bố “săm soi”  anh ghê quá, Vũ đã tuyên bố sẽ không bao giờ theo toán, để bố có nhìn vào cũng không biết gì. Đến năm ôn thi đại học, trong khi anh Diệu thì chỉ hì hục thích làm những bài toán thách thức nhất, thì em Vũ: “Bài khó thì làm, bài rất khó thì bỏ”. Lúc đi thi, thậm chí điểm toán của Vũ cũng cao hơn Diệu, khi anh được 29 điểm (2 điểm 10 và 1 điểm 9), còn Diệu chỉ được 22 điểm cả 3 môn.
 
Đến lúc ra trường, Vũ làm ở một hãng Luật của Anh, thu nhập mỗi năm hàng trăm nghìn đô la, trong khi anh Diệu về dạy học, lương có hơn 2 “phẩy”. Dù bằng những con đường trái ngược nhau, cả 2 đều sớm thành công hơn người. Nhưng điều làm bà tự hào về các con nhất không phải thành công, mà là tính trung thực và sự hiếu thảo.
GS. TSKH Nguyễn Văn Khuê và vợ
Năm 1990, bà ốm nặng phải nằm viện, còn cụ đã liệt giường được 3 năm. Chỉ có 3 bố con quanh quẩn với 2 người phụ nữ đau ốm. Cả GS Nguyễn Văn Khuê, cả Nguyễn Quang Diệu đều rất vụng về, lúc đó Nguyễn Quang Vũ 13 tuổi - trở thành hộ lý chính. Một tay anh cho bà ngoại ăn, tắm rửa, đổ bô cho bà. Đến giờ nghĩ lại, mẹ anh vẫn cảm thấy biết ơn hình ảnh cậu con trai bé xíu, chăm bà tận tụy.
 
Trong sự nghiệp khoa học, Nguyễn Quang Diệu đứng hoàn toàn trên đôi chân mình, cùng với sự giúp đỡ của các thầy, chứ không hề núp bóng người cha tài giỏi. GS Nguyễn Văn Khuê cho biết, ông không thực sự dạy Nguyễn Quang Diệu ngày nào. Từ khi lên lên cấp III, lên đại học, và đặc biệt sau này làm nghiên cứu khoa học, ông không bao giờ động đến sách vở của con, cũng không bao giờ hỏi con làm được những gì rồi? Chỉ khi nào anh Diệu làm xong công trình, đưa thì ông mới đọc, mà thường lựa đọc vào những lúc anh vắng nhà.
 
Cả 2 bố con làm cùng khoa, dạy cùng lớp chất lượng cao, cùng nghiên cứu về toán, nhưng chưa bao giờ cùng nhau viết một công trình nào. Có lần, anh Diệu còn nói: “Mọi người bảo Phạm Hoàng Hiệp mới là đứa con tinh thần của bố”, vì ông tâm đắc với cậu học trò này lắm. Ngay cả khi Nguyễn Quang Diệu làm hồ sơ xét PGS (cũng là người trẻ tuổi nhất được công nhận vào năm 2006) và GS, ông cũng không ngó qua, chỉ hỏi con có bao nhiêu công trình. Nếu có điều gì anh học được từ bố anh, đó chỉ là tinh thần tự học miệt mài và lòng yêu khoa học không vụ lợi.
 
Hiện sống trong căn nhà bình yên với con cháu, ông bà đã mãn nguyện. Ông cũng vui hơn, vì sau “sự kiện” Nguyễn Quang Diệu và Phạm Hoàng Hiệp, danh tiếng của khoa Toán - Đại học Sư phạm Hà Nội được biết đến nhiều hơn. Và cùng với “hiệu ứng” Ngô Bảo Châu trước đó, giới trẻ dường như để ý đến toán học, đến thế giới kỳ diệu của khoa học nhiều hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là một nét vui chấm phá trong cuộc sống giản dị thường ngày.
 
Nhìn lại cuộc đời, gia đình ông bà không có nhiều những phút giây lãng mạn, thăng hoa. Thậm chí, đến năm 2001 họ mới có bức ảnh đầu tiên chụp chung với nhau trên vịnh Hạ Long, mà cũng chỉ do ông thợ ảnh ế quá, năn nỉ chụp. Bà cười nhẹ nhẹ, bảo sống với nhau giản dị thế thôi, không có biến cố lớn. Tôi cũng tưởng như vậy... cho đến lúc bà giở một cuốn album lớn, bảo: “Cuốn album này là cô chuẩn bị để cho các cháu lớn lên, biết mặt bà”.
 
Lúc này, tôi mới giật mình, thì ra bà bị ung thư đã 8 năm nay. Cuộc phẫu thuật thành công đã lấy ra khỏi người bà 14 cái hạch, may không cái nào di căn. Thế nhưng, bà vẫn chuẩn bị cho tương lai một vài năm nữa. Vì là người phải điều hòa không khí trong gia đình, bà không thể để nó mang vẻ nặng nề, suy sụp. Bà không có vẻ gì là người ốm từ cái nét cười tươi tắn, đôi mắt còn lấp lánh và vẻ thư giãn trên khuôn mặt.
 
Nhìn từ mọi người trong nhà, có thể hình dung ngôi nhà này là ngôi nhà “không nói”. Họ chỉ hành động và vượt lên. Có vẻ như trong đó, khó khăn lớn trở nên nhỏ, gian khổ trở thành niềm vui, không có chỗ cho than vãn và sụp đổ. Và bởi thế, ông bảo: “Tôi thấy nhà tôi càng già càng đẹp”. Có mấy ai có nổi niềm hạnh phúc của ông bà, đã bên nhau từng ấy năm, có 2 người con tài giỏi hiếu thảo, và ngày càng thấy đẹp lên trong mắt nhau.
 
 
  • Như Loan
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc