Ngôi mộ ở vườn đào Nhật Tân
Có lẽ đây là ngôi mộ có số phận hẩm hiu nhất trong số những ngôi mộ được phát hiện và khai quật ở Việt Nam. Năm 2005, ngôi mộ bất ngờ bị tìm thấy bởi hoạt động giải phóng mặt bằng đô thị rồi bị kẻ xấu đào phá hòng tìm đồ quý báu, làm lộ ra cả xác ướp.
Xác ướp cụ ông được tìm thấy ở vườn đào Nhật Tân
Sau đó còn là những ngày tháng bị người hiếu kỳ kéo đến xem xét, đào xới, xâm phâm, lại thêm thiên tai, mưa nắng bất thường “hành hạ”.
Cũng còn may mắn là có những người dân tốt bụng trong làng mua tre về dựng cột, căng bạt che nắng, che mưa cho ngôi mộ, tát nước cho khu mộ sau trận mưa ngập lụt cho đến khi có nhà khoa học đến tiến hành nghiên cứu, khai quật.
Người dân mua tre, bạt để che chắn cho ngôi mộ khỏi mưa, nắng
Ban đầu, quan quách cũng được làm bằng gỗ quý và người chôn cất thực hiện ướp xác bằng dầu thơm nên trải qua bao nhiêu năm tháng, thi thể nằm trong mộ vẫn như mới được chôn. Theo nhận định, cụ ông nằm trong mộ tầm khoảng 60-62 tuổi, cao 1,62m.
Cụ được chôn cùng với rất nhiều vải lụa tơ tắm quý hiếm. Có đến 10 lớp áo choàng tơ tằm quấn quanh xác ướp, tất cả đều được thêu hoa văn rất tinh tế. Cu còn đi một đôi hia vải rất dày và đẹp, cao quá đầu gối.
Ngoài ra còn nhiều hiện vật bồi táng trong quan tài, bao gồm 17 cuộc vải chèn đầu, 10 cuộn vải chèn thân và 23 cuộn vải chèn quanh chân cùng một cuộn vải rất lớn chèn giữa hai chân, túi trầu, vài mảnh gốm và một củ sâm.
Chỉ đáng tiếc, do không kịp thời bảo quản khi được khai quật, lại bị ngâm nước 10 ngày, nên xác ướp đã bắt đầu bị thối rữa, không giữ được hương thơm như ban đầu.
Người dân làng Nhật Tân mua quan tài mới, hoàn táng cụ ông số khổ
Sau cuộc khai quật, xác ướp được giao lại cho làng Nhật Tân. Người dân trong làng đã góp tiền mua quan tài, mua quần áo mới mặc cho cụ, huy động cả xe đòn và phường bát âm đến đưa tiễn cụ về lại nơi chín suối.
Xác ướp niên đại 300 năm dòng họ Doãn
Mới được khai quật bất ngờ trong năm 2013, ngôi mộ này còn đang mang nhiều tranh cãi thuộc dòng họ Doãn hay dòng họ khác. Trong khi đang thi công làm giao thông thủy lợi thì máy xúc vô tình xúc phải 1 ngôi mộ lộ ra quan tài. Sau đó 1 nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra.
Khi mở nắp quan tài, thi thể bên trong đươc phát hiện vẫn trong tình trạng khá nguyên vẹn. 2 ngón chân được buộc vào nhau và lồng trong tất thô. Phần quách ngoài của quan tài bị phá hủy gần hết do tác động của máy xúc có màu cà phê sữa và rất mịn.
Chuyên gia khảo cổ nhận định, thi thể là của người phụ nữ cao khoảng 1m65, được mặc khoảng 10 cái áo và một chiếc quần, tóc dài, răng nhuộm đen, trong miệng ngậm đồng tiền rỉ nên các chuyên gia không nhìn thấy chữ viết trên đồng tiền.
Người dân hiếu kì cạy lớp quách để xem xét
Trong quan tài, người xưa chèn thêm mấy chục cuộn giấy bản; hai bên thái dương là hai gối vải, bên trong có bông. Một gối vải khác dài 60 cm, đường kính 10 cm đặt ở giữa hai chân thi thể.
Các chuyên gia tỉ mỉ kiểm tra bên trong quan tài
Theo các chuyên gia nhận định thì kỹ thuật mai táng này thuộc vào thời Hậu Lê. Dựa vào hình thức mai táng thì đây phải là người giàu có, hay vua chúa chứ không phải dân thường. Trước khi ngôi mộ được cho là thuộc dòng họ Doãn, có rất nhiều người ở nơi khác cũng đến nhận, trong đó có dòng họ Đặng Trần, Nguyễn Lương... Tuy nhiên các dòng họ này không có căn cứ vì vậy đã tự rút lui.
Thi thể cụ bà Nguyễn Thị Rạ vẫn còn khá nguyên vẹn
Theo gia phả ghi chép do ông Mạnh Hà thuộc dòng họ Doãn cung cấp, cụ bà có tên là Nguyễn Thị Rạ, thuộc đời thứ 4, hiệu là Riệu Kiên. Năm 28 tuổi, chồng cụ tên Đặng Khoa, hiệu Thái Hoa, đang làm quan lớn trong triều thì bị bị người khác hãm hại nên qua đời ở tuổi 31, giỗ ngày mùng 3 tháng 8.
Người thân thuộc không có ai, các con còn nhỏ dại, cụ đã một mình lo việc gia đình, thờ chồng nuôi con nên người. Sau này, cụ Rạ được triều đình phong là tiết phụ. Cụ thọ 70 tuổi, giỗ ngày mùng 9 tháng 12.
Mộ ông quận công ở Hưng Yên
Cũng chịu chung một số phận hẩm hiu như ngôi mộ cụ ông ở vườn đào Nhật Tân và thậm chí còn “lận đận” hơn là ngôi mộ được cho là của một ông quận công thời Hậu Lê nằm ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Ngôi mộ đã bị đào xới lên một cách hết sức thô bạo và vô nhân tính bởi một doanh nghiệp tư nhân. Họ đã dùng khoan máy để phá lớp quách dày đến nửa mét của ngôi mộ. Bên dưới là một chiếc quan tài lớn phủ sơn ta đỏ au, lớp sơn có tác dụng tránh mưa thấm vào quan quách, bảo vệ xác ướp bên trong. Khi quan tài bật nắp lên thì đã có một mùi dầu rất thơm lan tỏa ra cả một vùng đất lớn xung quanh.
Những kẻ táng tận lương tâm sau đó còn tiếp tục dùng dao, kéo cắt hết quần áo của thi hài ra để tìm kho báu. Còn xác ướp thì bị bẻ gập chân, tay, đầu để nhét vừa vào tiểu sành, chôn ở một ngôi mộ mới được xây hết sức thô sơ gần đó.
Tất cả những hiện vật bồi táng bao gồm chăn gối, quần áo, hài và hàng trăm đồng tiền cổ bị những kẻ phá mộ chia nhau, bán lại là phân tán khắp nơi.
Những đồng tiền cổ tìm thấy trong mộ xác ướp. Nhiều đồng trong đó có niên đại Càn Long Thông Bảo
Sau này, một trong số những kẻ tham gia phá mộ do không chịu được sự dằn vặt lương tâm nên đã khai báo toàn bộ sự việc đào phá mộ với nhân dân và trả lại toàn bộ đồ tùy táng mà người này nắm giữ.
(Còn nữa)