Đạo diễn Vương Phù Lâm của 'Hồng Lâu Mộng bản 1987' từng chia sẻ: "Sau khi quay xong phim, tôi nói với Âu Dương Phấn Cường là đừng làm diễn viên nữa, cháu không thể diễn được các nhân vật khác đâu. Cháu chính là Giả Bảo Ngọc, cũng giống như Trần Hiểu Húc là Lâm Đại Ngọc, Trương Lợi là Tiết Bảo Thoa, Đặng Tiệp là Vương Hy Phượng". Quả vậy, sau này dù có nhiều phiên bản khác nhau, diễn viên có đẹp như thế nào, quần áo có hoa mỹ ra sao, đầu tư nhiều đến đâu, kỹ xảo tiến bộ như thế nào, Hồng Lâu Mộng năm 1987 vẫn là bản chính thống và kinh điển nhất trong lòng khán giả.
Trần Hiểu Húc sinh ra là để 'làm' Lâm Đại Ngọc
Vương Phù Lâm - đạo diễn của 'Hồng lâu mộng 1987' từng nói rất nhiều về lần đầu tiên ông nhìn thấy Trần Hiểu Húc: Vào một ngày mưa, Hiểu Húc xuất hiện với một chiếc ô trong tay, dáng người thanh mảnh. Cô mặc một bộ quần áo màu xanh nhạt, xinh đẹp như từ trong tranh bước ra, đúng là "Lâm muội từ trên trời rơi xuống".
Nhưng điều khiến Vương Phù Lâm ấn tượng về Trần Hiểu Húc và muốn cô đến Bắc Kinh lại là bức thư giới thiệu của cô. Trong đó ngoài một tấm ảnh, còn có 2 bài thơ do cô viết. Đây mới là Lâm Đại Ngọc chân chính trong lòng Vương Phù Lâm: không chỉ xinh đẹp mà còn có khí chất của một nhà thơ.
Một kỉ niệm ấn tượng về Lâm Đại Ngọc, đó là trước khi quay cảnh Đại Ngọc đánh đàn, Âu Dương Phấn Cường hỏi Trần Hiểu Húc có cần đạo diễn tìm diễn viên đóng thế không? Trần Hiểu Húc lắc đầu. Ngay ngày hôm sau cô đến Học viện âm nhạc Trung ương tìm thầy dạy đánh bài 'Cao sơn lưu thủy'. Thầy giáo rất ngạc nhiên và nói: "Tôi học đến 4 năm mới có thể đánh được như vậy, cô không biết gì về đàn cả lại đòi đánh Lưu thủy, không thể nào". Nhưng trước sự khẩn cầu của cô, thầy cũng đồng ý dạy. Do ở lớp huấn luyện đã được học về cách đọc bản nhạc cổ, Hiểu Húc học rất nhanh, chỉ trong hai ngày đã đánh thành thạo bản nhạc.
Khi nhìn thấy "nàng Lâm Đại Ngọc" đánh đàn, đạo diễn đã phải vỗ tay khen ngợi: "Không ngờ Trần Hiểu Húc cũng là một tài năng âm nhạc". 30 năm sau khi nghĩ lại, Vương Phù Lâm vẫn cảm thấy tự hào: "Đó mới là biểu hiện của việc yêu vai diễn".
Hy Phượng nhận vai Phượng Ớt gây nhiều tranh cãi nhất
Nói về Hy Phượng, Vương Phù Lâm từng chia sẻ: "Nhân vật Vương Hy Phượng không có học, nhưng diễn viên vào vai Vương Hy Phượng thì nhất định phải có văn hóa. Đặng Tiệp phù hợp điều này, cô ấy rất thích đọc sách".
Trong tất cả các diễn viên, Đặng Tiệp gây nhiều tranh cãi nhất khi nhận vai Phượng Ớt. Khi đoàn làm phim đến Tứ Xuyên chọn diễn viên, có hơn mười cô gái đứng thành một hàng, thiếu nữ Đặng Tiệp khi ấy không hề khiến người ta chú ý. Biên kịch Vương Quý Nga từng nhận xét về cô: "Dáng người quá thấp, da quá đen, cũng không có gì nổi bật". Nhưng sau khi trang điểm và lên hình, Đặng Tiệp ngay lập tức tỏa sáng, băng ghi hình của cô được mang về Bắc Kinh.
Sau khi cô lên Bắc Kinh, có 3 ứng viên cho vai diễn Phượng Ớt: Nhạc Vận, Châu Nguyệt và Đặng Tiệp. Nhạc Vận và Châu Nguyệt đều cao ráo, xinh đẹp và có khí chất, còn Đặng Tiệp không được đánh giá cao. Thậm chí ngày nay vẫn có tin đồn, nếu không phải Nhạc Vận năm đó đến Hong Kong phát triển sự nghiệp thì Đặng Tiệp cũng không có cơ hội.
Nhưng đạo diễn Vương Phù Lâm khẳng định: "Vương Hy Phượng trong lòng tôi luôn là Đặng Tiệp". Ngoài ra ông chia sẻ mình còn thấy được chất chua ngoa từ cô gái Tứ Xuyên này. Cuối cùng, từ một người không được coi trọng, Đặng Tiệp đã khẳng định mình và chứng minh sự lựa chọn sáng suốt của Vương Phù Lâm bằng việc đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong Lễ giao giải Kim Ưng cho vai diễn Vương Hy Phượng.
Trương Lợi nhận vai Bảo Thoa chỉ là tình cờ
Mùa đông năm 1983, cô cùng bạn bè trong đoàn tham gia tuyển chọn vai diễn cho bộ phim Hồng Lâu Mộng, đạo diễn Vương Phù Lâm vừa nhìn thấy ngoài cửa một cô gái trẻ chùm khăn trên đầu, chỉ lộ rõ hai đôi mắt sáng liền gọi cô vào hỏi han và tuyển chọn đầu tiên.
Vậy là chỉ vì tình cờ đi tuyển mà Trương Lợi được nhận vào đoàn phim Hồng Lâu Mộng. Ban đầu, cô chỉ dám nhận đóng vai cô nàng a hoàn Tử Quyên của Lâm Đại Ngọc.
Trương Lợi thường có vẻ bẽn lẽn, ngại ngùng, đôi mắt to tròn và hết sức lễ phép, nghe lời, vì vậy đạo diễn Vương liền giao cho cô vai nữ phụ Giả Nghinh Xuân.
Thế nhưng tài năng thiên phú và kỹ năng diễn xuất của Trương Lợi đã khiến đạo diễn hết sức ngưỡng mộ, cô liền được giao đóng vai nữ chính của Hồng Lâu Mộng là Tiết Bảo Thoa.
Cảnh quay đầu tiên Trương Lợi vào vai Bảo Thoa được các chuyên gia về Hồng học đánh giá tốt và hết lời ngợi khen, điều này khiến cô gái Trương Lợi khi đó ngượng chín mặt vì thẹn.
Theo lời kể của nữ diễn viên gạo cội Lý Hệt (vai Giả Xá) nhớ lại cho biết: "Cô ấy vốn là diễn viên múa, mà diễn viên múa khi đó chỉ biết có cười, kiểu cười đặc trưng.
Dù đối diện những vị lãnh đạo như đạo diễn, biên kịch hay nhân viên như thư ký trường quay, tạp vụ thì Trương Lợi cũng chỉ có duy nhất một điệu cười mỉm nhẹ nhàng, không cần nói gì nhiều, vô cùng e lệ mà chất chứa cảm xúc bên trong. Đó chẳng phải tính cách của Tiết Bảo Thoa hay sao?".
Gian nan hành trình đi tìm cậu Giả
Âu Dương Phấn Cường là người cuối cùng gia nhập đoàn phim. Bởi khóa đào tạo đầu đã hoàn thành, các vai diễn cũng đã được chỉ định và chỉ có đợi ngày khởi quay nhưng vẫn chưa tìm được người đóng vai Giả Bảo Ngọc.
Trong quá trình tập, Đông Phương Văn Anh (vai Thám Xuân) và Trương Ngọc Bình (được nhắm cho vai Sử Tương Vân nhưng sau rút tên) phải thay nhau vào vai cậu Giả.
Trước đó, bộ phim các phiên bản Hồng Lâu Mộng do Hồng Kông sản xuất hay phiên bản điện ảnh, nhân vật Giả Bảo Ngọc đều do các diễn viên nữ thể hiện. Tuy nhiên, đạo diễn Vương lại muốn có diễn viên nam.
Nam diễn viên Hầu Trường Vinh (vai Liễu Tương Liên và Bắc Tịnh Vương) khi nhìn thấy Trương Ngọc Bình thì sực nhớ ra trong bộ phim 'Cầu vồng' có nam diễn viên trẻ Âu Dương Phấn Cường.
Trong phim anh thủ vai em trai của Ngọc Bình, có ngoại hình khá phù hợp với yêu cầu của đạo diễn đối với vai Bảo Ngọc: Mặt búp bê, dáng người vừa phải và là một diễn viên chuyên nghiệp.
Khi hay tin, Vương Phù Lâm tức tốc bay đến Tứ Xuyên và “lừa” được Âu Dương Phấn Cường đang chuẩn bị gia nhập một đoàn phim khác để đến Bắc Kinh thử vai.
Sau khi mặc trang phục của nhân vật và thử ghi hình, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng đã tìm được Giả Bảo Ngọc rồi.
Và để “đi tắt đón đường” cho Phấn Cường bắt kịp tinh thần và cảm xúc của “Bảo nhị gia”, đạo diễn Vương giao nhiệm vụ cho anh phải: Đùa nghịch, trêu chọc hay lừa phỉnh bất kỳ ai trong đoàn nhưng không được quá trớn.
Thế nhưng Phấn Cường vốn thật thà trong khi Hiểu Húc lại thừa thông minh và sắc sảo, vì vậy cô trở thành quân sư cho anh. Hai người giở nhiều chiêu trò trêu chọc mọi người trong đoàn.
Chiếc giường của nữ diễn viên Lý Đình (vai Giả Mẫu) cũng bị cả hai nghịch khiến bà phát hoảng vì tưởng giường sập.
Một lần khác vào dịp Tết, đoàn không cho phép mọi người về quê ăn tết. Lúc đó, đoàn phóng viên đầu tiên của Hồng Kông đến đại lục và thăm đoàn phim Hồng Lâu Mộng. Khi chụp ảnh tập thể thì phát hiện cậu Giả đã mất hút vì anh đã lén về Thành Đô ăn tết cùng gia đình. Anh còn dặn dò Cao Lượng (diễn Giả Liên): "Nếu có người hỏi cậu cứ bảo tôi đi tới nhà cô ở Thiên Tân. Dù sao tôi cũng là Bảo Ngọc rồi, sẽ không bị đổi đâu. Đạo diễn cũng thích tôi nữa nên tôi mới dám làm như vậy".
Thời gian này Âu Dương mới tròn 20 tuổi và tính cách thanh niên thời bấy giờ còn khá thuần phác, có thể nói là ngô nghê, đặc biệt trong chuyện tình cảm.
Được biết khi tham gia vào đoàn phim, Âu Dương đã có bạn gái ở quê Tứ Xuyên. Vì tính tình thật thà hoặc có thể do quá chung thủy nên anh không muốn các mỹ nhân trong đoàn hiểu nhầm là “trai tân”. Do đó, anh đã treo khắp tường trong phòng ảnh chụp chung với bạn gái như lời “cảnh báo” rằng tôi đã “có nơi có chốn”.
Sau khi phim khởi quay, Âu Dương còn đưa bạn gái đến Bắc Kinh và sinh hoạt cùng nhau ngay trong đoàn phim.
"Giả Bảo Ngọc" nay đã 54 tuổi cho rằng, điểm thành công của Hồng Lâu Mộng 1987 là cả bộ phim có được "tinh thần Hồng Lâu": đoàn kết, tình bạn, cống hiến, trách nhiệm. Gần một năm nay, Âu Dương Phấn Cường toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm Hồng Lâu Mộng vào ngày 17/6 : "Mọi người đều già rồi, đầu tôi tóc cũng đã có sợi bạc, tôi sợ nếu không tụ họp với nhau thì sẽ muộn mất".