Hầu ma
Trang điểm cho xác chết không phải là nghề xa lạ trên thế giới. Ở Việt Nam, nghề này được gọi đơn giản là nghề khâm niệm, nghề “hầu ma”.
Anh Nguyễn Thái Giang, một người đã có hơn 4 năm làm nghề khâm liệm người chết quan niệm, cái nghề khâm liệm cũng giống như những chuyên gia trang điểm, nhưng có điều khác là các chuyên gia trang điểm kia làm đẹp cho người sống, còn anh thì làm đẹp cho... ma. "Quan niệm như thế cho nó thanh thản và dễ dàng hơn với công việc", anh Giang cho biết.
Không phải ai cũng đủ can đảm để làm nghề trang điểm cho xác chết. |
Công việc của anh Giang từ nhiều năm nay đã được lập trình sẵn theo một quy trình cố định, khi có người gọi đến anh sẽ trực tiếp đến nơi để tắm rửa cho người chết, sau đó khâm liệm đưa vào hòm, công đoạn tiếp theo sẽ thuộc về nhóm lễ tang như đội kèn, trống, đội đón rước...
Một người làm nghề trang điểm cho xác chết đang sơn lại móng tay trước khi khâm liệm tử thi. |
Anh Giang cho hay: "Có những hôm đến cả tuần không ăn được miếng cơm nào khi gặp phải trường hợp bị bệnh hiểm nghèo. Mới đây nhất là một trường hợp bị xơ gan cổ trướng, bụng căng phồng lên như cái thúng, khi tôi đến nơi thì vỡ bụng, nước chảy lênh láng khắp nhà, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc, gia chủ phải rắc cả bao tải vôi bột để thấm dịch, mọi người bịt mũi chạy ra ngoài hết. Thế nhưng tôi vẫn phải đeo găng tay, khẩu trang cùng với quần áo bảo hộ vào để tắm rửa, làm sạch xác người rồi cho vào hòm... Đôi khi thấy cái nghề này cũng đối diện với đầy rẫy nguy hiểm, nhất là việc phải thường xuyên phục vụ cho người chết do các loại bệnh truyền nhiễm như gan, phổi, HIV...".
Cứ nhìn thấy miếng thịt là lại... lợm giọng
Trang điểm cho xác chết là nghề đặc biệt cần một tâm lý thật vững nếu không có thể sẽ ốm liệt giường, có thể hễ nhìn thấy miếng thịt lại lờm lợm trong cuống họng, lại thốc tháo nôn. Đó là những chia sẻ của anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Cty An táng AT khi được chúng tôi hỏi về nghề kỳ dị này.
Nam thổ lộ: “Chúng tôi phải cắt tóc, cạo râu, cạo ria cho gọn gàng mặt mũi rồi mới chỉnh trang. Người chết bao giờ cũng tái đi vì mất máu nên phải tô phấn hồng thật đậm (dùng son phấn của phụ nữ).
Đó là trang điểm cho những xác thông thường, còn xác tai nạn giao thông phải khâu vá các mảnh da thịt rách nát lại với nhau rồi mới tô phấn.
Nghề trang điểm cho xác chết khiến nhiều người e sợ, nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. |
“Nhất đồ, nhì nghề” kim dùng trong thủ thuật này là kim chuyên dụng có độ hất móc vào da thịt dễ dàng như người ta vá quần áo. Khâu vá như thế cũng chỉ phục hồi được ở một mức độ nào đấy cho người nhà trông đỡ tang thương chứ hoàn thiện như bộ mặt bình thường thì chịu. Phải có đồ nghề công nghệ cao, có tay nghề cứng của bác sĩ pháp y mới làm được”.
Có những ca tai nạn nặng như chết cháy, toàn thân cái xác chỗ đen, chỗ hồng, chỗ lồi, chỗ nẻ dù chỉnh trang kỹ thế nào trước khi cho người nhà vào thăm anh Nam cũng phải chuẩn bị tâm lý. Phải mô tả dần dần cho họ hiểu, phải đưa một xếp ảnh nạn nhân chết cháy cho họ hình dung để khi gặp người thân không đến nỗi bị chết ngất.
Nam vốn xuất thân từ giới lái xe, trong những lúc hỗ trợ anh em đi bốc mả dần thành bạo, thành quen. Tiến lên một bước, anh nhận chỉnh trang, tắm rửa cho người chết rồi lập hẳn Cty chuyên làm dịch vụ an táng từ A đến Z của tư nhân sớm vào diện nhất nhì Hà Nội.
Bất kỳ lúc nào khách hàng bốc máy gọi, dù nửa đêm gà gáy, dù chết đường chết sông anh cũng phải điều xe cùng một cơ số đá khô lên đường ứng trực.
Anh Nam cho biết, ở công ty của anh, có nhiều chàng trai bị người bỏ chỉ vì làm nghề trang điểm cho xác chết. "Mình cũng buồn nhưng nghĩ rằng, mình làm việc lương thiện, kiếm tiền lương thiện nên giúp những người xấu số được mồ yên mả đẹp nên mình cũng khuyên các em đó là sau này sẽ có người thông cảm với công việc và đến với em một cách chân thành nhất thôi" - Nam tâm sự.