Chuyện về nơi phụ nữ hạnh phúc nhất Việt Nam

13:10, Thứ năm 05/06/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Lấy nghề nông làm chính nhưng ở đây người phụ nữ không bao giờ phải... lội chân xuống ruộng. Những cánh đồng tươi tốt nơi đây lại chủ yếu nhờ vào bàn tay của cánh mày râu.

Đàn ông Công Lương giỏi việc nhà, giỏi việc đồng

Đã bao đời nay, hình ảnh người phụ nữ miền quê đội nón ra đồng là chuyện hợp với lẽ thường. Thế nhưng điều đó lại hoàn toàn trái ngược ở làng Công Lương (thuộc xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế). Làng được mệnh danh là "làng thương vợ".

chuyen la lang thuong vo

Ở làng Công Lương mọi việc đồng áng đều do bàn tay người đàn ông quán xuyến

Cả làng có hơn ngàn nhân khẩu với hàng chục hecta ruộng nhưng những cánh đồng tươi tốt nơi đây lại chủ yếu nhờ vào bàn tay của cánh mày râu. Việc phụ nữ không cần phải làm đồng đã là truyền thống từ rất lâu đời của làng.

Nơi đây, tất cả mọi công việc đồng áng từ cày cuốc, gieo giống, bón phân, nhổ cỏ, gặt hái... tất tần tật cho đến ngày thu hoạch đều do đàn ông trong làng thực hiện. Đến những việc có phần nặng nhọc trong nhà như sửa chữa chuồng trại, bưng bê... phụ nữ đều không được làm. Người phụ nữ ở làng này chỉ có việc duy nhất liên quan đến lúa gạo là... nấu cơm.

Ông Trương Hữu Chi (59 tuổi), trưởng thôn Công Lương, chỉ tay về phía cánh đồng rồi nói: "Đồng lúa trong làng được rộng mênh mông, quanh năm xanh tốt, năng suất vượt trội tất cả đều nhờ mồ hôi công sức của những thanh niên trai tráng và đàn ông trong làng tạo nên đấy. Chỉ nhìn qua thì không thể nào biết được điều đó đâu".

Không chỉ làm nông nghiệp giỏi, đàn ông ở làng Công Lương này còn “chuyên nghiệp” với nhiều công việc khác. Chính vụ thì sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, trồng rau, trái vụ thì đi làm thợ hồ, thợ mộc, đi thồ, xích lô, đánh bắt cá… hễ có công việc cho dù nặng nhọc đến cỡ nào cũng làm tốt hết.

Đi quanh làng, nơi nào cũng chỉ gặp các anh, các chú làm việc xớt cỏ vườn, trồng môn, khoai, sắn… Thậm chí PV còn gặp anh Tuấn (33 tuổi) đang giặt chậu quần áo của cả nhà. Với nụ cười hiền lành, anh cho biết: “Đàn ông ở làng Công Lương giặt áo quần cho vợ con là điều bình thường, quan trọng giặt ít hay nhiều là tùy từng người thôi”.

Đàn bà Công Lương làm gì?

Nói như thế không có nghĩa phụ nữ trong làng là những người vô công rồi nghề, vô dụng không làm được gì cả. Họ sinh ra là đã có được đặc ân này, rất nhiều lão nông khẳng định với chúng tôi như vậy. Ông Hồ Công Lâm (60 tuổi, ngụ thôn Công Lương) nói: "Đàn bà con gái ở làng này sướng lắm, vợ tôi cũng vậy, tôi không bao giờ cho vợ ra đồng làm việc. Tục lệ này đã có từ rất lâu rồi, từ khi tôi sinh ra đã có nên cứ thế mà mần theo thôi".

Chồng không cho làm ruộng, các công việc vất vả khác cũng không được đụng vào nhưng các cô gái trong làng không vì thế mà chỉ biết ở nhà ăn chơi. Công việc thường ngày của các chị em là làm hương, chằm nón, buôn bán phụ giúp thêm cho gia đình.

chuyen la lang thuong vo

“Công việc của các chị em phụ nữ trong làng chủ yếu là làm hương, chằm nón và buôn bán”, bà Hoàng Thị Hoa, 55 tuổi cho biết.

Ông Trương Hữu Chi (59 tuổi), trưởng thôn Công Lương cho biết thêm: "Ở làng này, dù các chàng đau ốm đến mức không thể ra đồng cày cấy thì các nàng cũng không phải ra đồng mà chỉ việc thuê vài người tin cậy về thay chồng quán xuyến việc đồng áng. Tuy nhiên, những lúc này, để đáp lại tình yêu mà chồng dành cho mình, các cô thường lo toan, chăm sóc rất chu đáo. Nào là thuốc thang, cơm cháo đều được các cô chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều đêm như thế mà bị cúp điện, những người phụ nữ ở đây thường thức trắng để quạt mát và chăm sóc khăn nước cho chồng mình".

Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Sa (53 tuổi), bên ly nước mía chị kể: Trước đây, khi chưa lấy chồng chị ở xã Thủy Thanh, gia đình làm nông rất giỏi và chị là một trong số những người làm chính trong nhà. Từ khi về làm dâu ở xã Thủy Vân này cũng đã hơn 20 năm nhưng chưa lần nào chồng chị bắt phải ra làm ruộng hay bất cứ một việc nặng nào cả. Nhà có 5 sào ruộng và tất cả mọi việc đều do chồng chị một tay làm. Hiện nay chị Sa chỉ việc ở nhà lo cơm nước và bán nước mía để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Ông Lâm chia sẻ: "Vợ chồng tôi sống với nhau đã mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ có một vụ to tiếng nào làm xóm làng phải dị nghị cả. Mỗi nơi mỗi khác, nơi đây không để vợ ra đồng làm việc là cách mà đàn ông chúng tôi thể hiện tình cảm. Tục lệ này nghĩ lại cũng vô cùng đúng, bởi lẽ những người phụ nữ khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi hơn đàn ông, lại phải chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau cho chúng ta những đứa con, đứa cháu bụ bẫm. Đàn ông chúng ta chấp nhận làm những việc nặng nhọc đó cũng là điều tất yếu nên làm mà thôi!".

Tiếp tục tham quan quanh làng thương vợ và còn tìm hiểu thêm được rằng ngoài cái danh thương vợ thì ngôi làng này còn có một tiếng thơm khác đó là suốt nhiều năm qua đều được danh hiệu làng văn hóa, chưa ghi nhận trường hợp nào phải vào tù ra tội.

Những năm gần đây rất nhiều em đạt thành tích tốt trong các kì thi đại học, cao đẳng...

Nói như lời những người đàn ông nơi đây thì họ rất tự hào là người làng Công Lương, và tự hào nhất là cái danh thương vợ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: