Nhắc tới vấn đề tu dưỡng bản thân, Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872), một trong "Tứ đại danh thần phục hưng cuối thời nhà Thanh" và cũng là nhà tư tưởng ái quốc nổi tiếng của Trung Quốc cận đại, đã chỉ ra rằng đời người có 4 quý tướng cần tu, 3 ác đức cần phải loại bỏ, có như vậy mới có thể đạt được đỉnh cao của sự tu dưỡng.
Con người có 4 QUÝ TƯỚNG - Phải chuyên tâm tu
Quý tướng thứ 1: Đoan chính, trang nghiêm
Điều đầu tiên trong số 4 quý tướng phải tu mà Tăng Quốc Phiên đề cập tới chính là đoan chính trang nghiêm của một người. Có thể nói, trọng tâm của 4 chữ này chính là “nghiêm”.
Một người có thể làm được “nghiêm”, mới có thể thật sự đoan chính hòa nhã, tạo nên phong thái thanh tao, cao quý, và cũng tạo được thiện cảm và niềm tin ở người khác khi giao lưu cùng.
“Kinh dịch” nói: Quân tử dĩ hậu đức tái vật (người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật). Còn "Đạo đức kinh" nói rằng: đại trượng phu xử kì hậu, bất cư kì bạc (bậc đại trượng phu [người hiểu đạo] giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi).
Những người đoan chính đàng hoàng sẽ tự phát ra sự uy nghiêm; một người uy nghiêm thì sẽ không tự phụ làm càn, luôn suy nghĩ sâu sắc, sẽ không khinh suất trong giải quyết mọi việc, sẽ thận trọng trong lời nói và sẽ không tùy tiện buông lời ác khẩu khi giao tiếp.
Những người tự có trang nghiêm thì người bên cạnh cũng tự sinh ra cảm giác nể trọng họ. Càng ít đắc tội người khác thì càng ít gặp rắc rối.
Thực tế đoan chính trang nghiêm không phải cứ cố tỏ ra là được, mà đó là kết quả của cả một quá trình tu dưỡng bản thân.Vì vậy, Tăng Quốc Phiên đã nhiều lần khiển trách con trai mình, yêu cầu con phải kiềm chế sự ngả ngớn và phù phiếm của bản thân, rèn luyện cách hành xử nhiều hơn.
Quý tướng thứ 2: Khiêm nhường và bao dung
Khiêm tốn và khoan dung đối với người khác, từ góc độ làm việc mà nói, một người như vậy sẽ dễ dàng phối hợp với người khác, cũng dễ dàng được trợ giúp khi cần, có nhiều khả năng thành công hơn.
“Khiêm” là tên của 1 quẻ trong "Kinh dịch", tên đầy đủ là “Địa Sơn Khiêm”. Hình tượng của quẻ là núi ở trong đất. Đất là chỗ thấp kém, núi là cái cao cứng; cái cao cứng ở trong cái thấp kém cũng như người quân tử có địa vị cao sang biết hòa mình trong dân dã, là biểu tượng của đức khiêm tốn.
Do đó Khiêm có nghĩa là “khiêm tốn, nhường nhịn”, không tự cao tự đại. Khiêm tốn sẽ khiến cho mọi việc trở lên thuận lợi. Lúc đầu mọi việc có thể không suôn sẻ như ý, nhưng về sau do đức tính khiêm tốn mà sẽ nhận được sự trợ giúp của mọi người và cuối cùng sẽ có được thành công.
Những người có kiến thức và biết cách cư xử sẽ không bao giờ thể hiện mình. Nếu một người thật sự có tài năng, người khác sẽ tự nhận ra điều đó mà không cần người kia nói gì cả.
Tâm chi phối con người. Người có nội tâm khoan dung và tính cách khoáng đạt dù là ở trong thuận lợi hay gặp phải khó khăn cũng đều có thể điềm tĩnh, an hòa. Con đường nhân sinh của họ càng đi sẽ càng trở nên rộng mở.
Quý tướng thứ 3: Làm việc có đường lối
Nét quý tướng thứ 3 chính là làm việc có đường lối, có kế hoạch, điều này sẽ giúp giữ được trạng thái bình tĩnh và sáng suốt trong mọi tình huống. Mọi việc làm từ đầu đến cuối, có đầu có đuôi, không chỉ là một việc nhỏ cần sự chăm chỉ, mà còn cần sự kiên trì bền bỉ.
Trong kinh doanh, nhiều người mong làm giàu chỉ sau một đêm, nhưng lại chê việc kiếm lời từ những việc nhỏ, không biết tích tiểu thành đại, càng không biết muốn giàu có thì phải tích lũy theo thời gian.
Nhiều người không biết tiết kiệm tiền bạc, chỉ thích tiêu xài hoang phí. Dù có kiếm ra nhiều tiền, cuối cùng vẫn dẫn đến cuộc sống không có sự đảm bảo về tài chính.
Có người hùng hồn tuyên bố phải thành công, nhưng lại làm không xong việc này đã bỏ xuống làm việc khác mà không hiểu rằng sự nghiệp bắt đầu từ những việc nhỏ, danh tiếng cần phải tích lũy.
Những người thành công thường là những người kiên trì bền bỉ, làm việc chăm chỉ. Làm việc không có đầu có đuôi, vừa gặp chút khó khăn đã nản chí thì mãi không thể có được thành công. Muốn kiếm được tiền thì không được sợ vất vả.
Quý tướng thứ 4: Nhân hậu, có thiện niệm
Quý tướng thứ tư, làm người cần phải có lòng khoan dung độ lương, phải có lòng từ bi thiện niệm. Giúp đỡ người khác thật ra cũng là giúp đỡ chính mình.
Giữ điều tâm nghĩa là biết quan tâm đến “ngoại vật”, bao gồm quan tâm đến người khác, quan tâm đến xã hội và quan tâm đến thế giới. Người như vậy, dù cho không giàu có về mặt vật chất, nhưng lại giàu có về mặt tinh thần, sẵn sàng cho đi, bản thân điều này đã đủ chứng minh đây là người có phúc khí.
3 điều ÁC ĐỨC – Phải loại bỏ khỏi cuộc đời
Ác đức thứ 1: Kiêu căng, ngạo mạn
Một khi con người có tâm kiêu ngạo, nhất định sẽ buông lỏng cảnh giác về mọi mặt, tai họa và thất bại tất yếu sẽ kéo theo. Kiêu ngạo là con đường tự hủy diệt mình, cho nên cổ nhân nói kiêu ngạo nhất định phải bị đánh bại.
Người xưa dạy, người, khi một người đến tuổi 20 mà vẫn không ngông cuồng, người này không có tích sự gì cả; đến 30 tuổi rồi mà vẫn còn ngông cuồng, thì cũng là vô tích sự. 20 tuổi đang là độ tuổi tự mãn của tuổi trẻ ngông cuồng, vì thế sẽ không ai trách móc tính ngông cuồng đó, mọi người đều sẽ khoan dung, bởi vì thanh niên trẻ tuổi mới bước chân vào đời, vốn dĩ không biết trời cao đất dày là gì.
Nhưng nếu như đã 30 tuổi rồi mà vẫn còn ngông, kiêu ngạo, thì người này vẫn chưa chín chắn, có sự khác biệt rất lớn về mặt tâm trí. Kiêu ngạo, tự mãn chính là cội nguồn của thất bại, tranh đoạt, tị hiềm.
Ác đức thứ 2: Nói nhiều lời dư thừa
“Giới cấm đa ngôn” (kiêng nói nhiều) của Tăng Quốc Phiên bắt nguồn từ một sự việc nhỏ, khi ông mới bước vào hàn lâm viện chưa được bao lâu, đường làm quan rộng mở, vậy nên không khỏi có phần tự mãn trong tâm.
Bản chất của “giới cấm đa ngôn” là khi đứng trước người và sự việc, cần phải tự kiểm soát được mình, tránh họa từ miệng ra, nói năng tùy tiện. Về bản chất, đây là một hành động lý trí gặp việc không vướng bận, bớt lời tranh cãi vẫn là hơn.
Nếu dùng lời nói có thể áp chế được người ta, dù bạn thắng rồi, cũng không khiến người ra tâm phục khẩu phục. Vậy nên, trong đối nhân xử thế khiêm tốn một chút vẫn tốt hơn. Không cần phải khoe khoang ánh hào quang của mình khắp mọi nơi. Như vậy không những không soi sáng được người khác, ngược lại còn tổn thương nguyên khí của mình.
Ba hoa, khoác lác là đặc điểm dễ nhận thấy ở những người thích nói suông và thường hay mạnh miệng. Trong mắt của Tăng Quốc Phiên, ông coi đây là "thói xấu của văn nhân" hay "bản sắc của thư sinh".
Ác đức thứ 3: Bất chấp thủ đoạn
Bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích của bản thân cũng là một trong 3 điều ác đức cần phải loại bỏ.
Theo Tăng Quốc Phiên, phàm người làm chuyện gì cũng luôn muốn đi đường tắt, dùng thủ đoạn, chính là một biểu hiện của sự thiếu chín chắn.
Bởi vì trên đời này có những chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng gặt hái được kết quả như mong muốn, đôi khi cần phải bỏ một phần sức lực mới có thể nhận lại một phần thành quả.
Những người luôn muốn đi con đường tắt, một là lười biếng, hai là tâm lý thích dùng thủ đoạn để đạt được lợi ích luôn thường trực, cuối cùng rất khó thành tựu được chuyện lớn.