Một bé gái 10 tuổi tại Bangladesh có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên bị "cây mọc trên người", một hội chứng cực hiếm gặp và hiện chỉ được phát hiện ở nam giới.
Theo BBC, cách đây 4 tháng, những vảy nhỏ giống như vỏ cây bắt đầu mọc trên mặt Sahana Khatun (10 tuổi, người Bangladesh). Việc này không làm bố cô bé lo sợ cho đến khi các "vỏ cây" bắt đầu lan ra. Ông buộc phải đưa con gái từ làng ra thủ đô Dhaka để tìm bác sĩ chữa trị.
Các bác sĩ đang lo ngại Khatun sẽ là cô gái đầu tiên trên thế giới mắc phải "hội chứng người cây", tên khoa học là Epidermodysplasia Verruciformis.
Hội chứng này làm cơ thể sinh ra những loại vảy trông như vỏ cây, đặc biệt xuất hiện dày ở chân và tay. Thế giới chỉ có một vài người được xác nhận mắc hội chứng này và tất cả đều là nam giới.
Các bác sĩ cho biết họ đang làm các xét nghiệm để xác nhận có phải cô bé Khatun cũng bị hội chứng tương tự hay không. Họ cũng hy vọng hội chứng sẽ ít nghiêm trọng hơn đối với cô bé này.
Trước đó, người đàn ông có tên Abul Bazadar đến từ Bangladesh cũng đã bị mắc căn bệnh hiếm gặp có tên 'Human Papillomavirus' (HPV) kể từ khi lên 10.
Chứng 'Human Papillomavirus' khiến khắp cơ thể anh mọc những mụn cóc rất xấu xí. Đặc biệt trên 2 tày tay của Abul mụn cóc rất lớn và nhiều mọc theo hình rễ cây nhìn thực sự đáng sợ. Chứng bệnh đặc biệt của Abul đã thu hút sự chú ý của rất nhiều bác sĩ giỏi về da liễu đến bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh để thăm khám cho anh.
Tiến sĩ Samanta Lal Sen cho biết chứng bệnh của Abul là cực kỳ hiếm gặp. Có khoảng 100 loại HPV trong đó có khoảng 30 loại gây ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục. Tất cả các loại HPV đều gây ra mụn cóc và rất nhiều trong số chúng ảnh hưởng đến các tế bào ở da người.