Đến tuổi này rồi, tôi vẫn thường nửa đùa nửa thật nói với mẹ mình rằng: “Mẹ ơi con không lấy chồng đâu. Sau này chỉ muốn ở một mình, nuôi một đàn chó, vừa vui, lại vừa nhẹ đầu”, để rồi đổi lại là những tràng cười của mẹ và những câu nói hùa theo “Tuỳ mày", hoặc “Điên à?”
Có lẽ bởi vì mẹ chưa từng cho rằng những lời tôi nói là sự thật, hoặc là lẽ đời thường, con người ta đến tuổi đều phải dựng vợ gả chồng cho dù lúc nhỏ mồm vẫn thường oang oang thề chết không lấy, thì những suy nghĩ trẻ con ấy rồi một ngày nào đó cũng sẽ nhạt phai…
Thủơ còn nhỏ, khi người lớn hỏi đùa “Bao giờ lấy chồng", chỉ biết gân cổ lên cãi “Không lấy, cả đời ở với mẹ, không bao giờ lấy chồng". Thế nhưng hai từ “lấy chồng" trong đầu lúc ấy không có nghĩa gì sâu xa hơn việc phải rời xa cha mẹ, vì vậy nhất quyết nói “không lấy".
Trưởng thành rồi, nhìn thấy nhiều rồi, trải qua rồi, mới thấy đường tình yêu quá éo le và trắc trở, vì vậy trong lòng sợ hãi nói “không lấy". Thế nhưng ở tuổi lớn rồi, con người ta không dám khẳng định không lấy nữa, bởi vì đôi lúc dựng vợ gả chồng không phải chỉ là lỗi lo của chính người con gái, mà là hiếu, là trách nhiệm đối với cha mẹ.
Hai người yêu nhau, thế nhưng lại chẳng bao giờ là chỉ là chuyện yêu đương giữa hai người cả. Trách con gái thực dụng, nhưng thật ra phận người con gái cứ lênh đênh mãi với môt người đàn ông không thấy được tương lai mờ mịt, thì biết đến ngày nào? Thực ra nhiều lúc đàn ông mới là những người ảo tưởng quá xa vời, mà phụ nữ, tình nhiều khi khó dứt thế nhưng vẫn thường nhìn vào hiện thực sớm hơn người đàn ông…
Đến tuổi này không phải là sợ hãi “đi lấy chồng" phải rời xa cha mẹ nữa, mà là sợ hãi sự tổn thương, sự đổ vỡ và sự thay lòng đổi dạ của con người.
Cuối cùng thì quan trọng nhất không phải là tìm được một người thực sự yêu mình lúc này, mà là tìm được một người nguyện cùng mình chia sẻ những thăng trầm cho đến hết những năm về sau…