Theo phong tục tập quán lâu đời cứ mỗi độ Tết đến, gia đình nào cũng phải có mâm ngũ quả ngày TẾT dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Mâm ngũ quả ngày tết bên cành đào, bức tranh tết, câu đối đỏ, bánh chưng xanh… tạo nên khung cảnh thật ấm áp của mọi gia đình mỗi khi tết đến xuân về.
Không biết phong tục này có từ bao giờ, phải chăng vì đất nước ta vốn bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa Xuân hoa quả càng rộ. Hoa quả là lộc của thiên nhiên, đất trời. Lộc Xuân càng quý. Dâng lộc trời, cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu xuân thật là một tục lệ đẹp đẽ đầy nét nhân văn.
Cứ vào khoảng 28 tháng Chạp âm lịch thì nhà nhà đều cho bày mâm ngũ quả ngày tết kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả ngày TẾT thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Nếu không có mâm bòng, có thể bày trên một cái đĩa to, nhưng phải đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính.
Mâm ngũ quả ngày TẾT có ý nghĩa bao trùm là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính với tổ tiên. Ngoài ra tùy ở những gốc độ khác nhau, mâm ngũ quả còn có các ý nghĩa khác nhau.
Mâm ngũ quả ngày tết là mâm gồm 5 loại trái cây khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.
Con số 5 thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú, quý, thọ, khang, ninh.
5 màu sắc cũng thể hiện ý nghĩa nguồn của cải 5 phương đưa về kính lên tổ tiên. Chẳng hạn, nải chuối màu xanh tượng trưng Đông phương, bưởi màu vàng tượng trưng Trung phương, quả lê màu trắng tượng trưng Tây phương, quả hồng màu đỏ tượng trưng Nam phương, quả màu sẫm bất kỳ tượng trưng Bắc phương.
5 màu sắc này tượng trưng cho ngũ hành trong vũ trụ đó là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Mặc dù gọi là mâm ngũ quả ngày tết nhưng thật ra người ta không quy định chính xác là những loại trái cây cụ thể gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.
Ở miền Bắc, phong tục mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Ảnh minh họa.
Mâm ngũ quả thường gồm 5 loại trái cây
Tùy theo đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán và quan niệm của mỗi vùng mà có cách chọn các loại quả đặc trưng mang ý nghĩa riêng. Nếu căn cứ theo triết lý phương Đông thì mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với nhiều màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.
Lê (hay mật phụ): vị ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
Lựu: nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống.
Đào: thể hiện sự thăng tiến.
Mai: hạnh phúc, không cô đơn.
Quả phật thủ: giống như bàn tay đức Phật, luôn chở che cho các số phận con người.
Táo: có nghĩa là phú quý.
Hồng, quýt: tượng trưng cho sự thành đạt.
Thanh long (rồng mây hội tụ) thể hiện sự phát tài phát lộc.
Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
Nải chuối xanh như bàn tay ngửa: hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.
Quả trứng gà (hay Lê-ki-ma) như hình đào tiên: lộc trời.
Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe và tiền bạc.
Đu đủ mang đến sự thịnh vượng đủ đầy.
Xoài có âm na ná như “xài”, để cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.
Gọi là ngũ quả nhưng thật ra, việc lựa chọn và bày biện những loại quả gì trên mâm tùy thuộc vào từng địa phương với những đặc thù về khí hậu, sản vật và quan niệm văn hóa riêng. Từ đó, người ta chọn ra những loại quả mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần để “thiết kế” nên mâm ngũ quả. Ta cùng điểm qua mâm ngũ quả ngày Tết ở 3 miền đất nước.