Có thể bạn chưa biết về tranh dân gian chơi tết Việt?

11:00, Thứ tư 29/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mừng xuân Giáp Ngọ 2014, từ ngày 24/1 – 16/2, Ban quản lý phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm nghệ thuật tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Đến với hội triển lãm, bạn sẽ thấy thú vị với những điều có thể bạn chưa biết về tranh dân gian Việt Nam và cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm mang tính giá trị nghệ thuật.

Ra đời từ khoảng thế kỷ 16 -17 và phát triển cho đến nửa đầu thế kỷ 20, sau đó suy tàn dần. làng Đông Hồ thuở xa xưa có tên là Làng Mái. Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1944 là thời kỳ cực thịnh của dòng tranh này. Lúc ấy, tất cả những người trong làng đều tham gia vào việc làm tranh và họ xem đây là một nghề cao quý của làng.

Tranh Đông Hồ so với các dòng tranh khác được thể hiện từ những khâu như: Vẽ mẫu, khắc in, sản xuất và chế biến màu. Đây là dòng tranh khắc ván in, tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu ván in.

Tranh Đông Hồ có đề tài rất phong phú, nó phản ảnh hầu như tất cả những gì dễn ra trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày cũng như những mối quan hệ xã hội ở miền nông thôn Bắc Bộ. Từ những gì dân dã nhất như: Hái dừa, đánh ghen, gà trống…cho tới những bức tranh thờ: Phú Quý, Nhân Nghĩa…

Tranh Đông Hồ được tiêu thụ nhiều nhất vào dịp Tết. Vì vậy, việc làm tranh tập trung nhất vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch.

Sáng tạo nghệ thuật trong tranh Đông Hồ được thể hiện thông qua mỗi bức tranh là sự thể hiện một truyền thuyết hoặc một câu truyện ngụ ngôn mang tính triết lý, một bức thông điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng sâu sắc. Tranh in cũng thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên Đán với thông điệp hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Các con vật cũng gần gũi với làng quê như: Gà trống, trâu. rồng và cá... Các con vật biểu tượng cho hạnh phúc, thịnh vượng, sự chăm chỉ, cần cù và thông minh…

Bí quyết của tranh Đông Hồ không thể không kể đến kỹ thuật chế bản mà tính chất mộc mạc dân gian lên đến mức cao nhất. Kỹ thuật tranh Đông Hồ bắt đầu với những tờ giấy được chế tạo công phu được gọi là giấy dó. Giấy dó là một loại giấy được sản xuất từ vỏ cây dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gấy, ẩm nát. Với đặc tính chống ẩm, giấy dó giúp cho các tác phẩm nghệ thuật không bị hư hỏng và có tuổi thọ rất cao. Giấy dó được nghệ nhân Đông Hồ sáng tạo lại thành giấy của riêng làng mình bằng cách nghiền nát vỏ con điệp (một loại sò sống ở biển) và quấy bột này với hồ nếp rồi quét lên mặt giấy dó.

Màu sắc của tranh Đông Hồ được sử dụng bằng những màu sắc có sẵn trong thiên nhiên. Màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đỏ son lấy từ sỏi đồi, màu đen lấy từ tro lá tre…

Trong tranh Đông Hồ, cảm hứng nghệ thuật được thể hiện thông qua những ván in màu, Để có những bản khắc đạt đến độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Ván khắc in tranh chủ yếu dùng gỗ có chất dàu, gỗ mịn như; Gỗ Thị, gỗ lòng Mực. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ. Đặc biệt, phải có trình độ kỹ thuật cao.

Trong những ngày tết Giáp Ngọ 2014, Ban quản lý phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống tại ngôi nhà di tích 87 Mã Mây (Hoàn Kiếm – Hà Nội) để đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng và tìm hiểu nghệ thuật tranh xưa của dân tộc. Đồng thời, sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống tại các điểm di tích nhân dịp Tết cổ truyền từ ngày 1/2 đến ngày 3/2 gồm Đình Kim Ngân số 42-44 Hàng Bạc, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm. Chương trình diễn ra đến ngày 16/2.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Trịnh Đình Tú