Trao đổi với PV, thạc sĩ - bác sĩ, đại tá Nguyễn Kỳ Dưỡng (Bệnh viện Quân y 175) cho biết một số nhận xét xung quanh việc bắt bác sĩ cắm kim tiêm vào tĩnh mạch của tử tù khiến một bác sĩ trẻ ở Phú Yên bị sốc nặng.
Theo bác sĩ Dưỡng, có thể hiểu bản chất của biện pháp thi hành hình phạt tử hình là tiêm vào người tử tội một liều thuốc độc (thường gồm ba loại: một để gây mê, một để cơ bắp thịt và thần kinh ngưng hoạt động, một để làm cho tim ngừng đập) để kết thúc sự sống của tử tù. Về cơ chế chết trong phương thức thi hành hình phạt tử hình này là làm cho tử tù ngủ, sau đó làm ngừng thở và làm tim ngừng đập. Thường các tử tù chết trong vòng từ 10-15 phút sau khi bị tiêm thuốc độc.
Sở dĩ nhiều nước lựa chọn cách tử hình này vì không tạo ra những cảnh man rợ như đầu rơi, máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn. Các chuyên gia y học thế giới thường nhận xét về biện pháp tử hình này là cách "chết nhẹ nhàng", "chết không đau đớn". Một số chuyên gia y học còn so sánh cách thi hành hình phạt tử hình này giống như người tự sát, uống thuốc ngủ hoặc uống thuốc độc chết.
Một số tiểu bang của Hoa Kỳ và ở các nước có điều kiện kinh tế, cơ quan thi hành án thiết kế các bàn tiêm thuốc độc tự động. Các bác sĩ không phải tiêm trực tiếp thuốc độc vào tay tử tù mà chỉ cần bấm nút tại các bàn điều khiển. Kim sẽ tự động tiêm vào tay tử tù. Với phương thức này, các bác sĩ sẽ ít bị tác động tâm lý hơn so với việc trực tiếp tiêm thuốc độc vào tay tử tù. Đơn cử vào ngày 8.12.2009, tử tù Kenneth Biros là phạm nhân đầu tiên ở tiểu bang Ohio (Hoa Kỳ) được áp dụng tiêm thuốc độc. Sau 10 phút tiêm thuốc vào người, tử tù đã chết.
Phương thức tiêm thuốc độc cho tử tù có nhiều ưu điểm so với nhiều phương thức tử hình khác và vấn đề này không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, ngay cả ở Hoa kỳ và nhiều nước tiên tiến cũng xuất hiện nhiều vấn đề sau khi áp dụng phương thức này.
Trước hết là nhiều nhà hoạt động xã hội và y tế đã lên tiếng phê bình quốc hội và chính phủ đã đi ngược lại lời thề Hypocrate của ngành y khi các tiến bộ y học được đem vào việc giết người. Hơn nữa với các nước nghèo, không có điều kiện xây các phòng tiêm thuốc độc hiện đại, các bác sĩ phải tiêm thuốc độc trực tiếp vào tay phạm nhân, xuất hiện các tâm lý nặng nề về việc trực tiếp giết người. Vì vậy các bác sĩ làm việc ở đây thường chỉ sau một thời gian ngắn đều phải chuyển làm các việc khác để tránh mắc bệnh thần kinh.
“Tử hình bằng phương pháp tiêm thuốc độc mà đưa bác sĩ ra tiêm là chắc chắn người đó sẽ bị ám ảnh. Bởi vì nghề bác sĩ của người ta là cứu người chứ không ai lại đào tạo đi giết người”, ông Dưỡng nói.
Vì vậy, bác sĩ Dưỡng đưa ra ba kiến nghị:
Thứ nhất, chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan của nước ta cần ban hành các văn bản quy phạm dưới luật để quy định rõ cách thức, phương thức, trình tự tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình. Cần quy định rõ chủ thể tiến hành tiêm thuốc độc, các loại thuốc độc dùng để tiêm, trình tự tiêm, cách thức xác định cái chết của tử tội... từ đó đề ra các quy định phù hợp với thực tế Việt Nam.
Thứ hai, cần tổ chức tập huấn kỹ về cách thức áp dụng hình thức tiêm thuốc độc cho các cán bộ kỹ thuật hình sự, cán bộ trại giam, thẩm phán, kiểm sát viên của các ngành công an, kiểm sát, tòa án. Trong các khóa tập huấn này, cần thiết phải bổ trợ các kiến thức y học, độc học cho các chức danh tư pháp để có thể thực thi nhiệm vụ thành công mà không cần dùng tới bác sĩ.
Thứ ba, tổ chức thiết kế các buồng, phòng thi hành án tử hình tiêm thuốc độc ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đối với các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm cần xây dựng các phòng tiêm thuốc độc hiện đại, trong đó có áp dụng tiêm tự động, điều khiển bằng điện tử. Thông thường một phòng tiêm thuốc độc gồm ba khu vực là: khu vực chuẩn bị tiêm, khu vực dành cho những người chứng kiến và khu vực đặt giường nằm dành cho tử tội.