CSGT được giữ những loại giấy tờ nào của người vi phạm giao thông: Người dân cần biết rõ để không mất tiền oan

( PHUNUTODAY ) - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 32/2023/TT-BCA với nhiều quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9/2023.

Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 32/2023/TT-BCA với nhiều quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9/2023. Trong đó nổi bật có quy định thứ tự tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông người dân cần nắm rõ.

Thứ tự tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông từ ngày 15/9

giay-to-csgt-duoc-giu-1

Điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về thứ tự tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông như sau:

- Thứ nhất, giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

- Thứ hai, giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính).

- Thứ ba, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (xe phải kiểm định).

- Thứ tư, giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt.

Lưu ý, Cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ được giữ một trong các loại giấy tờ kể trên. Riêng trường hợp các giấy tờ có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan.

4 trường hợp CSGT được dừng xe kiểm soát từ ngày 15/9

canh-sat-giao-thong-duoc-giu-giay-to-xe-gi-1

Theo Thông tư 32, kể từ ngày 15/9, cảnh sát giao thông tuần tra sẽ được dừng xe kiểm soát trong 4 trường hợp.

+ Trường hợp 1: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

+ Trường hợp 2: Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

+ Trường hợp 3: Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

+ Trường hợp 4: Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa

Thêm một quy định mới về kiểm soát xử lý vi phạm giao thông từ 15/9 đó là CSGT được kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa trên xe. Đây là hướng dẫn mới về nội dung kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

Quy định này đã nêu, CSGT được kiểm soát tính hợp pháp của hàng hoá, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.

Người vi phạm không ký biên bản, chỉ cần một người làm chứng

canh-sat-giao-thong-duoc-giu-giay-to-xe-gi-2

Điểm c khoản 2 Điều 20 Thông tư 32/2023/TT-BCA chỉ rõ, trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản thì Tổ trưởng Tổ CSGT tiến hành mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất một người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản đó. Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì CSGT phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Trước đó, Khoản 1 Điều 20 Thông tư 65/2020/TT-BCA yêu cầu trường hợp này phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc 02 người chứng kiến ký vào biên bản.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link