Con trai đi tù khi 42 tuổi
Trương Văn Cam (1947-2004) hay còn được biết đến với cái tên Năm Cam là một trùm xã hội đen ở Việt Nam, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh hơn 30 năm trước.
Năm Cam và băng nhóm của mình trong quá trình bảo kê các nhà hàng karaoke và các tụ điểm đánh bạc ở Thành phố Hồ Chí Minh đã gây nhiều tội hình sự và cao nhất là tội Giết người.
Một trong các trọng tội dẫn đến án tử hình dành cho Năm Cam là lệnh cho đàn em là Hải "bánh" bắn chết Vũ Hoàng Dung (tức Dung "hà"), một nữ trùm xã hội đen nổi tiếng gốc Hải Phòng sống tại Thành Phố Hồ Chí Minh ngay trên phố vào đêm 1/10/2000 .
Tháng 10/2003, Năm Cam đã bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên tử hình và bị thi hành án gần 1 năm sau đó, vào tháng 6/2004.
Băng nhóm tội phạm Năm Cam và đồng bọn tại phiên xét xử (Ảnh: CAND).
Trong cuộc đời của trùm giang hồ Năm Cam có rất nhiều "bóng hồng" nhưng có 2 người phụ nữ được biết đến là Phan Thị Trúc (Trúc "mẫu hậu"), người vợ danh chính ngôn thuận và bà Mai Thị Nguyệt, người đã cứu giúp đời Năm Cam.
Bà Nguyệt là người phụ nữ đã sinh cho Năm Cam đứa con trai đầu tiên Trương Văn Hùng và cũng là người cứu giúp cho Năm Cam khi sa cơ nhưng lại bị ruồng bỏ để theo người đàn bà khác.
Những năm 80 của thế kỷ trước, giữ vị trí trùm tập đoàn tội phạm, Năm Cam “hô mưa gọi gió” trong giới tội phạm Sài Gòn. Đầy danh vọng và tiền tài, trong khi vợ lớn, vợ bé và bồ nhí đều được hưởng “lộc” đề huề của “ông trùm” thì riêng bà Nguyệt và con mình vẫn lẻ loi sống cảnh đói nghèo.
Bao năm qua, chính trong căn nhà “ân huệ” Năm Cam dành cho, bà đã phải rơi quá nhiều nước mắt. Cuối đời lẻ bóng, bà sống khép mình trong căn nhà chật chội với Trương Văn Hùng- con trai chung của bà và Năm Cam. Tuy nhiên, chính giọt máu của hai người lại làm cho bà tuyệt vọng thốt lên trong đau đớn "đó là nghiệp chướng”.
Khác với các nhân vật được trọng dụng và "ăn nên làm ra" khác trong gia đình Năm Cam, Trương Văn Hùng là một con nghiện nặng và để có tiền thỏa mãn cơn ghiền y đã tham gia vào một đường dây ma túy.
Tháng 11/2004, Trương Văn Hùng (tức "Hai Nhái", 42 tuổi) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án 9 năm tù về hai tội "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" và "tàng trữ trái phép chất ma túy".
Ngoài ra, Hùng khai nhận trước đó vào năm 1994, Hùng đã từng "sát cánh" bên cạnh Cô Đệ (tức Tư Râu, một đàn em đắc lực của Năm Cam trong hệ thống bảo kê sòng bạc, hiện đang bị truy nã) và sử dụng khẩu súng ngắn K54 (có 8 viên đạn) gây ra hàng loạt các vụ "dằn mặt" đối thủ.
Xa lánh bụi trần, con gái Năm Cam xuất gia từ năm 11 tuổi
Ngày Năm Cam bị tuyên án tử hình (10/2003), nhiều người vẫn không thể quên hình ảnh cô con gái thứ 4 của Năm Cam - người đã xuất gia đi tu từ nhỏ - khóc ngất đi phía bên ngoài phiên tòa. Ai cũng thương cảm cho người con gái hiền lành của Năm Cam sớm đã gửi thân nơi cửa Phật, xa lánh bụi trần mà vẫn phải chịu những sóng gió của gia đình.
Năm 2010, khi kể về người con gái đã xuất gia của mình, Trúc “mẫu hậu” ứa nước mắt. Bà bảo con gái bà đã không còn là con của bà nữa, mà trở thành người của nhà chùa. Trong nhà, bà thương sư cô nhất, cũng xót xa cho sư cô nhất, bởi sư cô là người chịu nhiều tổn thương nhất trong bi kịch của cả gia đình.
Báo Vietnamnet cho hay, bà chia sẻ: “Trong những đứa con của tôi, sư cô là hiền lành và ngây ngô nhất. Hồi còn bé, sư cô cũng như bao đứa trẻ bình thường, cũng thích vui đùa, nghịch ngợm và đôi khi có thể làm bố mẹ bận lòng về những trò nghịch phá của mình. Thế nhưng càng lớn, tính cách của sư cô càng hiền lành, kín đáo. Sư cô thường trầm ngâm, không biểu lộ tình cảm nhiều và e ngại giao tiếp với xã hội bon chen bên ngoài. Dù là mẹ, nhưng lúc đó tôi đã luôn cảm thấy lo lắng, vì phát hiện ra con mình có điều gì đó rất khác so với những đứa trẻ bằng tuổi, cái điều đó tôi không cắt nghĩa được.
Sau đó, thiên hướng của sư cô bắt đầu bộc lộ ngày một rõ rệt. Sư cô đã biết theo người ta lên chùa từ những năm 7, 8 tuổi. Cứ đi học ở trường thì thôi, về nhà là sư cô lại lên chùa, giúp đỡ các nhà sư và ngồi nghe giảng kinh Phật, đôi khi sư cô lên đó chỉ để ngồi ngắm nhìn và cảm nhận khung cảnh tĩnh mịch và yên bình trong chùa.
Sư cô không còn chơi với những đứa trẻ cùng tuổi nữa mà thường chìm trong những ưu tư, trầm mặc không ai hiểu được. Tất cả những biểu hiện đó đều không giống với những biểu hiện bình thường của những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Ngay từ lúc đó, vợ chồng tôi đã bắt đầu lo lắng và lờ mờ cảm nhận được những suy nghĩ và sự lựa chọn của con gái mình. Nên mỗi lần sư cô đi chùa về, chồng tôi đều mắng và tìm mọi cách hạn chế con gái, vì theo ông ấy, hướng thiện là tốt, nhưng một đứa trẻ lên 8 thì chưa cần hướng thiện như thế.
Trúc "Mẫu Hậu" trong thời gian chấp hành án tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) (Ảnh: Lao động)
Nhưng sự ngăn cản của vợ chồng tôi chẳng ngăn được ý chí của đứa con gái đã hướng cái tâm mình theo nhà Phật. Năm sư cô lên 9 tuổi, sư cô về nhà nói với vợ chồng tôi, xin phép vợ chồng tôi cho được xuất gia tu hành. Chồng tôi sôi lên sùng sục, quát tháo ầm ĩ, cấm không cho con gái đi tu.
Sư cô nhờ người nấu cơm chay cho ăn trong suốt hai năm trời, để gột rửa mọi bụi bẩn, muộn phiền của trần thế. Hai năm sau, sư cô lên chùa, xin được làm người tu hành.
Ngày sư cô đi tu, chồng tôi vẫn đang thụ án trong trại giam sau vụ gây lộn với một nhóm giang hồ vì bênh anh rể. Ông ấy không có mặt để chứng kiến con gái mình xuất gia đi tu, gửi thân nơi cửa Phật, nhưng tôi thì có.
Tôi nhớ hôm đó ngoài con gái tôi còn có một cô nữa cũng quyết định xuống tóc đi tu. Cô kia thì đi tu vì thất tình, bị người yêu ruồng bỏ, nhưng con gái tôi thì hoàn toàn chưa nhuốm bụi trần, chưa trải qua các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời.
Sau này tôi nghĩ nó sinh ra có lẽ là để trở thành người của nhà chùa, sinh ra để sống một cuộc đời xa lánh trần tục. Con gái tôi đã mang căn tu trong người, nên đó là con đường duy nhất mà nó lựa chọn, con đường nó nhất định phải đi, không thể nào khác.
Ngày hôm đó, tất cả mọi người có mặt ở đó đều khóc thương nó, tiếc cho nó. Nhưng nó không khóc. Mắt nó ráo hoảnh. Nó nhìn tôi rồi vái lạy tôi lần cuối, bảo là sau này con thành người tu hành rồi, bố mẹ có mất con cũng chẳng được vái lạy nữa. Đó là lần cuối cùng nó vái lạy tôi, lần cuối cùng nó gọi tôi là mẹ, lần cuối cùng nó xưng con.
Từ ngày hôm sau, trở thành người tu hành, nó gọi tôi là cô, gọi bố là chú. Pháp danh của con gái tôi là Diệu Quang. Và kể từ ngày hôm đó, tôi cũng gọi con gái mình là sư cô Diệu Quang”.
Sau khi sư cô Diệu Quang trở thành người nhà Phật, Năm Cam đi tù về, thấy con gái mình đã xuất gia, dù rất đau lòng nhưng biết không thay đổi được gì, Năm Cam cũng chỉ còn biết cắn răng chấp nhận sự thật.
Trúc “mẫu hậu” cũng cho biết, thỉnh thoảng bà và Năm Cam vẫn lên chùa nơi con gái tu hành để thăm sư cô, nhưng cả hai vợ chồng không còn được phép thể hiện tình cảm của bố mẹ dành cho con cái với sư cô Diệu Quang nữa.
Ở nơi cửa Phật, hai vợ chồng ông trùm Năm Cam - Trúc “mẫu hậu” vái lạy sư cô Diệu Quang theo đúng lệ của nhà chùa. Nhưng Trúc “mẫu hậu” bảo, bà không vái lạy bản thân con gái bà, mà vái lạy cái áo Phật mà sư cô Diệu Quang đang mặc trên người.
Đến ngày 16/8/2012, do bệnh tật, tuổi cao sức yếu nên Trúc "mẫu hậu" (66 tuổi) đã chết tại trại giam Xuân Lộc (xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).
Ngày 17/8, sư cô Diệu Quang, con gái Trúc "mẫu hậu" và Năm Cam đã đến trại giam Xuân Lộc đưa thi hài mẹ về thẳng chùa Phước An, nơi mình đang tu hành để lo hậu sự.