Ngáy
Đây là hiện tượng mà nhiều người gặp phải khi ngủ. Trong đa số các trường hợp, tiếng ngáy có ấm lượng bình thường, đều đều thường không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu tiếng ngáy nghe giống tiếng khịt mũi hoặc thở hổn hển đồng thời bạn có cảm giác thiếu ngủ vào ban ngày, đó là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra với 2 lý đo: một là đường hô hấp trên bị tắc nghẽn trong lúc ngủ làm giảm hoặc ngừng tuần hoàn luồng khí; hai là não không gửi tín hiệu cần thiết để đường hô hấp hoạt động trong lúc ngủ.
Tình trạng này diễn ra liên tục kèm theo đau đầu, khô miệng khi thức dậy chính là dấu hiệu báo động và bạn cần phải đi kiểm tra sức khỏe ngay.
Ngưng thở khi ngủ diễn ra thời gian dài và không được kiểm soát sẽ tăng nguy cơ bị huyết áp cao và gây mệt tim.
Nghiến răng liên tục
Nghiên răng xảy ra vào ban đêm rất khó kiểm soát. Nó có thể bắt nguồn do căng thẳng, lo lắng. Nó cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc bạn đang bị bệnh liên quan đến vùng miệng.
Nghiến răng trong thời gian dài sẽ làm mòn men răng, ê buốt răng, sứt mẻ răng, đau đầu...
Đi tiểu nhiều vào ban đêm
Uống nhiều nước trước khi ngủ sẽ khiến bạn phải thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh. Tuy nhiên, nếu phải thức dậy quá nhiều lần và hiện tượng này xảy ra thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh như tiểu đường, viêm bàng quang, bệnh thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đổ mồ hôi
Nếu tỉnh dậy và thấy cơ thể ướt đẫm mồ hôi thì có thể là do bạn đang để nhiệt độ phòng quá nóng hoặc mặc quần áo quá dày. Điều đầu tiên cần làm đó chính là giảm nhiệt độ phòng, mặc quần áo thoáng mát hơn.
Nếu tình trạng không được cải thiện thì đó có thể là do hormone trong cơ thể có sự thay đổi. Tuyến giáp hoạt động bất thường và thời kỳ mãn kinh có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn vào ban đêm.