Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong vừa công khai danh sách các công ty tại đây nhập dầu bẩn của công ty Chang Guann để kinh doanh. Trong đó, có tới 383 cái tên được đưa vào "sổ đen", và đây chỉ là những nơi mà Hong Kong thống kê được thông qua giấy tờ nhập khẩu. Danh sách có thể dài hơn nữa, chính quyền đặc khu cho biết.
Một lượng lớn dầu của Chang Guann bị phát hiện là sản phẩm tái chế từ váng dầu cống rãnh, rác thải nhà bếp và thậm chí còn nghi từ cả xác động vật nhiễm bệnh. Vụ việc này nhanh chóng trở thành một scandal gây chấn động châu Á.
Các thùng phuy được dùng để chứa dầu bẩn trước khi chế biến thành dầu ăn ở Đài Loan. |
Các sản phẩm nhiễm bẩn đã được xuất sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là trong danh sách này, có 2 nhà hàng thuộc sở hữu của những công ty quốc tế có mặt tại Việt Nam.
Đứng thứ 21 trong danh sách sử dụng dầu bẩn là "BAKERY CAFÉ LTD", một nhà hàng thuộc sở hữu của tập đoàn Maxim's. Tập đoàn Maxim's đang quản lý 840 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hong Kong, Trung Quốc và Việt Nam. Maxim's chính là đơn vị đã đưa chuỗi cà phê Starbucks nổi tiếng của Mỹ vào thị trường Việt Nam.
Trước đó, Maxim's Group cũng đã thừa nhận rằng họ có sử dụng dầu bẩn của Chang Guann.
Trong danh sách "đen" này cũng xuất hiện một cái tên quen thuộc với thực khách TP.HCM. Đó là thương hiệu bánh BreadTalk Concept HK.
Lộ các thương hiệu liên quan tới dầu bẩn có mặt tại Việt Nam. |
BreadTalk là tập đoàn sở hữu một chuỗi 4.000 cửa hàng bánh trên khắp thế giới, có gốc gác ở Hong Kong. Hiện đang có tới 9 cửa hàng của BreadTalk có mặt tại TP.HCM, một cửa hàng tại Bình Dương và một cửa hàng tại Khánh Hòa.
Trước đó, một vài tờ báo châu Á, trong đó có Nikkei Asian Review của Nhật Bản khẳng định rằng dầu bẩn của Chang Guann đã xuất tới Việt Nam.
Chính quyền Đài Loan khẳng định đã liên lạc với nhà chức trách các nước và vùng lãnh thổ trên để cung cấp mã hàng, tên hàng và các thông tin cần thiết về những sản phẩm nhiễm bẩn này.
Tập đoàn Chang Guann đã sản xuất tổng cộng 782 tấn dầu ăn tái chế từ dầu cặn và rác thải nhà bếp, pha với mỡ heo rồi bán ra thị trường Đài Loan.
Các chuyên gia y tế Đài Loan cảnh báo loại dầu bẩn này có thể chứa chất gây ung thư. Nhà chức trách Đài Loan đã phạt Tập đoàn Chang Guann 1,6 triệu USD.