Lưu ý khi luộc gà
Để có đĩa gà luộc đẹp mắt, bạn cần phải luộc gà chín tới, không để gà bị rách da.
Bạn có thể chọn gà trống hoặc gà mái để luộc. Thịt gà trống sẽ chắc và dai hơn còn thịt gà mái mềm và béo ngậy do nhiều mỡ hơn. Nếu dùng để thắp hương, người ta thường lựa gà trống.
Để gà luộc được thơm ngon, trước khi luộc, bạn phải sơ chế gà thật kỹ. Sau khi nhặt sạch phần lông, bạn hãy rửa gà với chanh hoặc giấm. Axit trong các loại nguyên liệu này có thể giúp loại bỏ các chất bẩn ở da gà và mùi hôi bám trên da gà.
Ngoài ra, rửa gà với gừng đập dập cũng giúp khử mùi hôi của gà.
Sau khi đã làm sạch gà, bạn có thể đem gà đi luộc. Để gà luộc không bị tụt da, bạn hãy chặt rời phần chân gà bên dưới phần đùi. Làm như vậy, khi luộc, da gà co lại mà không bị rách.
Để gà có màu đẹp mắt, bạn có thể thoa nước nghệ lên toàn bộ con gà, để khoảng 5 phút. Nếu không thoa nghệ trước khi luộc, bạn có thể chờ đến khi gà được luộc chín rồi thoa dầu nghệ lên da cũng được.
Bạn cần chọn một chiếc nồi đủ lớn để đặt gọn con gà vào bên trong. Lượng nước trong nồi cũng cần đủ để ngập toàn bộ con gà, giúp gà chín đều, không bị rách da, thâm xỉn.
Khi luộc gà, hãy đặt úp bụng xuống đáy nồi. Dùng nước lạnh để luộc gà từ đầu sẽ hạn chế được tình trạng xương gà bị đỏ. Thêm gừng đập dập hoặc hành, lá chanh để gà có mùi thơm ngon hơn. Luộc gà lửa lớn cho đến khi nước sôi thì vặn nhỏ, luộc tiếp 10 phút thì tắt bếp. Đậy vụng nồi và ủ thêm 10-15 phút để gà chín đều từ bên trong. Dùng tăm nhọn xiên vào phần bắp đù của gà, nếu thấy không có nước đỏ chảy ra là gà đã chín. Nếu thấy nước đỏ chảy ra thì luộc thêm vài phút cho gà chín hẳn.
Gà vớt ra nên ngâm vào bát nước đá lạnh. Làm như vậy, phần da và thịt gà sẽ chắc lại, da gà cũng không bị thâm xỉn. Đợi cho gà nguội rồi mới chặt. Một số người còn bọc kín con gà bằng màng bọc thực phẩm rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để cho gà săn chắc rồi mới chặt miếng. Làm như vậy thịt gà sẽ chắc, không bị vỡ nát khi chặt.
Chặt gà
Dao chặt thịt gà phải là dao sắc, nặng. Thớt dùng để chặt thịt gà phải là thớt dày, chắc chắn. Có thể chuẩn bị thêm một con dao mỏng, mũi nhọn sắc để tách thịt gà được dễ dàng hơn.
Có thể lót thêm giấy báo hoặc lá chuối ở bên dưới rồi đặt thớt chặt gà lên trên. Làm như vậy sẽ hạn chế được tình trạng thịt gà, nước bắn ra sàn nhà, làm tốn công sức dọn dẹp.
Chặt đầu và cổ gà ra trước. Với chân gà, nên cặt bỏ phần móng. Cổ, đầu và chân được xếp gọn vào lòng đĩa.
Dùng dao chặt đôi con gà theo chiều dọc, từ xương sống (như hình dưới). Chặt lệch phần xương sống, tức là một nửa của con gà sẽ có phần xương sống và phao câu.
Dùng lưỡi dao rạch phần da nối đùi với ức. Gập nhẹ đùi gà ra phía sau, phần đùi sẽ tự tách ra. Dùng dao khía nhẹ ở phần khớp gắn đùi gà và thân là phần đùi có thể tách ra.
Áp dụng cách tương tự để cắt phần cánh rời khỏi thân gà mà không cần chặt. Chặt đùi gà, cánh gà thành miếng vừa ăn.
Với phần ức gà còn lại, chặt theo chiều dọc để chia đôi phần ức. Sau đó, chặt theo chiều ngang để có các miếng gà vừa ăn.
Lưu ý, chặt gà phải dứt khoát để miếng thịt gà được gọn gàng, không vỡ nát. Nếu chặt đến nhát thứ hai mà không nhắm trúng vào nhát dao đã chặt trước đó thì miếng gà sẽ nát và có nhiều xương vụn.
Xếp thịt gà lên đĩa
Bạn có thể xếp gà trực tiếp lên đĩa. Những miếng xương sẽ để ở dưới, miếng thịt ức, đùi sẽ xếp ở trên cùng.
Ngoài ra, bạn có thể xếp ngước miếng thịt gà vào đĩa lòng sâu. Mặt da gà sẽ hướng xuống đáy đĩa. Các miếng nguyên vẹn để ở dưới, miếng bị tuột da cho vào giữa. Miếng nạc xếp trước rồi mới đến phần xương.
Lấy một đĩa khác đặt lên đĩa gà đã xếp và lật ngược lại. Rắc thêm lá chanh thái sợi lên trên đĩa thịt gà.