Dầu ăn bị đông đặc có phải là 'hàng dởm'?
Dầu ăn là sản phẩm không thể thiếu trong gia đình. Trước nay nhiều người vẫn cho rằng dầu ăn luôn ở trạng thái lỏng, không bị đông đặc. Khi thấy dầu ăn bị đông lại do trời lạnh, nhiều người lập tức nghĩ ngay đó là sản phẩm kém chất lượng, không tốt.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, dầu ăn bị đông lại khi trời lạnh là hiện tượng bình thường. Các loại dầu thực vật khi lưu trữ ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài sẽ hình thành các tinh thể rắn màu trắng. Nhiệt độ càng thấp thì mức độ kết tinh càng nhiều. Đây là tính chất vật lý thông thường của dầu thực vật, giống như hiện tượng nước ở nhiệt độ dưới 0 độ C sẽ bị đông cứng thành đá. Tùy vào loại dầu mà mức nhiệt gây đông đặc sẽ khác nhau. Ví dụ dầu nấu ăn thông thường bắt đầu đông đặc ở nhiệt độ từ 15-20 độ C; dầu đậu phộng (dầu lạc), dầu mè (dầu vừng) đông ở nhiệt độ 5 - 10 độ C; dầu đậu nành có thể bị đông ở nhiệt độ - 5 đến - 10 độ C; dầu hạt cải đông ở nhiệt độ - 10 đến - 15 độ C.
Hiện tượng dầu ăn bị đông đặc chỉ ảnh hưởng đến cảm quan và gây bất tiện trong quá trình sử dụng chứ không làm thay đổi chất lượng sản phẩm. Bạn có thể đặt chai dầu ăn ở vị trí ấm hơn, dầu sẽ tự hóa lỏng và có thể sử dụng bình thường.
Lưu ý khi bảo dầu ăn
Dầu ăn phải được dựng trong chai lọ sạch, có thể làm bằng nhựa hoặc thủy tinh đều được. Tránh để dầu ăn gần các vật dụng bằng kim loại hoặc nơi ẩm ướt vì nó có thể làm dầu bị hỏng, nhiễm khuẩn.
Dầu ăn nên được bảo quản ở nơi mát mẻ, khô ráo, tránh xa nơi có độ ẩm cao, nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Nên để dầu tránh xa nguồn nhiệt (như bếp nấu...) để đảm bảo an toàn.
Nên chú ý tới trạng thái của dầu ăn, kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm trước khi dùng. Nếu dầu có sự biến đổi như màu sắc khác thường, có mùi hôi, có mốc, vị chua, cặn bẩn... thì không nên tiếp tục sử dụng.