Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội dựa trên toàn bộ lương tháng là một trong 02 phương án xác định tiền lương đóng bảo hiểm được nêu tại dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Nếu phương án này được chọn, quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ tăng vọt trong thời gian sắp tới.
Sắp tới, người lao động được đóng bảo hiểm xã hội toàn bộ lương?
Theo khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được cân nhắc thực hiện theo một trong 02 phương án sau đây:
Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Cách xác định tiền lương đóng BHXH bắt buộc của phương án 1 thực hiện tương tự như quy định hiện nay.
Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Như vậy, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo phương án 2 bao gồm:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh.
- Phụ cấp lương bao gồm cả các khoản phụ cấp bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, công việc, sinh hoạt, mức độ thu hút và các khoản phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc.
- Các khoản bổ sung khác bao gồm: Khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận và các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương hợp đồng, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc.
- Không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Với phương án này, người lao động đi làm công ty sẽ gần như được đóng bảo hiểm xã hội tính theo toàn bộ lương của người lao động. Bởi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được tính bằng tổng mức lương cùng tất cả các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung gắn với quán trình làm việc, kết quả thực hiện của người lao động.
Nếu phương án 2 được lựa chọn thì sắp tới, bất kì ai đi làm công ty cũng đều có cơ hội được đóng bảo hiểm xã hội full lương.
Hiện nay, việc đóng bảo hiểm xã hội full lương đã được thực hiện ở một số doanh nghiệp theo thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động chứ không áp dụng đại trà. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đều muốn thắt chặt khoản chi, dành nguồn tài chính cho các mục tiêu khác nên đã chia nhỏ tiền lương thành lương cơ bản cùng các khoản trợ cấp, phụ cấp không tính đóng bảo hiểm xã hội và chỉ đóng bảo hiểm theo mức lương cơ bản.
Đóng bảo hiểm xã hội full lương, 7 khoản tiền sẽ tăng mạnh
Đóng bảo hiểm xã hội full lương đồng nghĩa với việc tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Kéo theo đó, mức hưởng các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội và lương hưu sẽ tăng đáng kể. Cụ thể bao gồm các khoản sau:
(1) Trợ cấp ốm đau
Mức hưởng hàng tháng = 75% x Mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ
(2) Trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con, người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng
Mức hưởng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉx Số tháng nghỉ chế độ
Ví dụ, chị B đi làm nhận lương 8 triệu đồng/tháng nhưng đang đóng bảo hiểm xã hội với mức lương cơ bản là 05 triệu đồng/tháng. Khi nghỉ hưởng chế độ thai sản 06 tháng, được hưởng 05 triệu đồng x 06 tháng = 30 triệu đồng.
Nhưng nếu đóng BHXH full lương, chị B được nhận 08 triệu đồng x 06 tháng = 48 triệu đồng (nhiều hơn khi đóng bảo hiểm theo lương cơ bản đến 18 triệu đồng).
(3) Trợ cấp thai sản trong các trường hợp khác
Lao động nam có vợ sinh con, thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nữ đi khám thai, bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, thực hiện biện pháp tránh thai được hưởng:
Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ:24x Số ngày nghỉ
(4) Lương hưu
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương đóng BHXH
(5) Trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu
Mức trợ cấp = (Tổng số năm đóng BHXH - Số năm đóng BHXH được tính hưởng 75%)x 0,5 x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
(6) Tiền bảo hiểm xã hội 1 lần
Tiền BHXH 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước 2014)x(2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH từ 2014)
(7) Tiền trợ cấp tuất 1 lần
Tiền trợ cấp tuất 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH từ 2014)