Có được gửi tiết kiệm chung không?
Khoản 1 Điều 5 Thông tư 48/2018/TT-NHNN nêu rõ: Tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền được người gửi tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng.
Cũng tại Thông tư này, việc gửi tiết kiệm có thể là tiền của một người hoặc của nhiều người. Khi gửi tiết kiệm một người thì trên sổ tiết kiệm hoặc thẻ tiết kiệm sẽ có tên của một người. Đồng thời, khoản 2 Điều 5 Thông tư 48 cũng quy định về tiền gửi tiết kiệm chung. Cụ thể: Tiền gửi tiết kiệm chung là tiền gửi tiết kiệm của từ hai người gửi tiền trở lên.
Theo quy định này, không chỉ cá nhân được gửi tiết kiệm mà hai hoặc nhiều người có thể cùng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Trong trường hợp này, trên sổ tiết kiệm sẽ có thông tin của người gửi hoặc nhiều người cùng gửi.
Ngoài ra, tuỳ theo quy định của từng ngân hàng và thoả thuận của những người gửi chung tiết kiệm, các bên có thể thoả thuận cử một người đại diện đứng tên trên sổ tiết kiệm.
Như vậy, căn cứ quy định trên, có thể thấy, không chỉ một người mà nhiều người đều có thể cùng nhau gửi tiết kiệm chung.
Cần kiểm tra thông tin gì trên sổ tiết kiệm?
Sổ tiết kiệm hay thẻ tiết kiệm là giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu của một người/nhiều người với số tiền được gửi tại ngân hàng (Đây là quy định nêu tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018).
Theo đó, trên sổ tiết kiệm sẽ có những nội dung sau đây:
- Tên ngân hàng, con dấu, họ tên, chữ ký của giao dịch viên, người đại diện hợp pháp của ngân hàng.
- Họ tên, số, ngày cấp giấy tờ tuỳ thân người gửi hoặc người đại diện (nếu gửi tiết kiệm thông qua người đại diện).
- Số thẻ tiết kiệm, số tiền, đồng tiền, ngày gửi tiền, ngày đến hạn, thời gian gửi tiền, lãi suất, cách trả lãi.
- Cách để tra cứu khoản tiền gửi.
- Cách xử lý khi sổ tiết kiệm bị nhàu, nát, rách, mất.
Do đó, để tránh rủi ro về số tiền tiết kiệm bị nhầm lẫn hoặc sai sót thông tin người gửi, ngân hàng cũng như lãi suất, khách hàng khi gửi tiết kiệm cần kiểm tra ít nhất những thông tin nêu trên, đặc biệt là số tiền nộp vào cũng như lãi suất hàng tháng và các tất toán sổ tiết kiệm.
Bên cạnh đó, tuỳ vào từng ngân hàng, có thể sẽ có thêm một số nội dung khác nhưng về cơ bản đều phải bao gồm các nội dung nêu trên.
Gửi tiết kiệm online – tiện lợi nhưng vẫn có rủi ro
Ngoài cách thức gửi tiền tiết kiệm truyền thống bằng cách người gửi đến trực tiếp ngân hàng để thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm và xuất trình các loại giấy tờ nhân thân cũng như số tiền muốn gửi cho giao dịch viên để làm sổ thì hiện nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nhiều ngân hàng đã áp dụng việc gửi tiết kiệm online.
Tuy nhiên, do không có sổ tiết kiệm cũng không có chứng từ nên nhiều người còn e ngại về sự bảo mật, an toàn của hình thức này bởi tất cả chỉ thực hiện trên môi trường mạng, qua app mà không phải đến tận nơi.
Không thể phủ nhận, việc làm tài khoản tiết kiệm online mang lại khá nhiều tiện ích, nhanh gọn, ít thủ tục nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khi nhiều đối tượng lợi dụng điều này để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Do đó, để đảm bảo an toàn, khi gửi tiết kiệm online, khách hàng cần phải đọc kỹ các điều khoản, chỉ nên gửi ở các ngân hàng uy tín và không click vào bất kỳ đường link lạ nào được gửi qua điện thoại.
Có được gửi tiết kiệm bằng vàng không?
Khoản 1 Điều 10 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định, khi gửi tiết kiệm, khách hàng dùng tiền gửi bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ. Đồng thời, khoản 2 Điều 1 Thông tư 12/2012/TT-NHNN nêu rõ: Tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức thành đồng Việt Nam hoặc các hình thức bằng tiền khác; không được sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại tổ chức tín dụng khác.
Theo quy định này, các ngân hàng không được gửi tiết kiệm bằng vàng dưới mọi hình thức cũng như không được chuyển đổi huy động bằng vàng thành đồng Việt Nam dưới mọi hình thức. Do đó, khi gửi tiết kiệm thì người dân chỉ gửi bằng tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ.
Khi giao dịch vàng tại các ngân hàng, người dân chỉ có thể sử dụng hình thức ký gửi vàng tại các ngân hàng. Đây là hình thức "thuê két của ngân hàng" và người dân sẽ không được nhận lãi, thậm chí còn phải trả cho ngân hàng một khoản tiền phí giữ hộ.
Người có sổ tiết kiệm chết, làm sao để rút tiền?
Đây có lẽ là vấn đề mà không chỉ người gửi mà nhiều đồng thừa kế của người gửi cũng quan tâm rất nhiều. Theo đó, các đồng thừa kế để nhận được số tiền tiết kiệm từ người thân để lại thì cần liên hệ với ngân hàng nơi người chết để lại sổ tiết kiệm.
Các ngân hàng sẽ hướng dẫn thủ tục chi trả tiền tiết kiệm theo thừa kế hoặc theo uỷ quyền của người gửi tiền theo quy định tại Điều 18 Thông tư 48 năm 2018.
Mặc dù các ngân hàng có thể sẽ có hướng dẫn khác nhau tuy nhiên đều cần dựa vào hai tình huống sau đây:
- Nếu người chết để lại di chúc: Thực hiện chia số tiền trong sổ tiết kiệm theo di chúc của người chết. Khi đó, kết hợp với sự hướng dẫn của ngân hàng, đồng thừa kế thực hiện nhận số tiền trong sổ tiết kiệm và chia theo di chúc của người chết.
- Nếu người chết không để lại di chúc: Các đồng thừa kế kết hợp với sự hướng dẫn của ngân hàng và thực hiện Văn bản thoả thuận/khai nhận di sản thừa kế tại các tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện nhận tiền theo sự thoả thuận của các đồng thừa kế.