Dịch sởi tấn công mạnh từ miền Bắc đến miền Nam

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dịch sởi không chỉ diễn biến phức tạp tại Hà Nội, mà tại các tỉnh miền Nam những ngày qua số ca nhập viện vì sởi cũng đang có dấu hiệu tăng cao. Đối phó với dịch, các ông bố, bà mẹ ồ ạt đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh.

Sáng 19/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cùng đoàn cán bộ Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM đi kiểm tra tình hình dịch sởi tại các bệnh viện trên địa bàn.

Hiện bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 1.660 ca đến khám ngoại trú, riêng TP.HCM có 1.184 ca (chiếm 71%). 29% bệnh nhi còn lại đến từ các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang.

Mô tả ảnh.
Trẻ đang điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Từ đầu năm đến nay bệnh viện đã điều trị nội trú cho 1.002 ca mắc bệnh sởi (chiếm 60%) tổng số bệnh nhi nhập viện. Trong đó, riêng ở TP.HCM chiếm 57%.

Trong số hơn 1.000 ca nội trú thì có 117 bé biến chứng do mắc các bệnh về hô hấp, 2 ca phải thở máy và 10 ca phải thở nCPAP (máy thở nhân tạo áp lực).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết chỉ có 2% bé mắc bệnh sởi được tiêm chủng vắc xin đầy đủ; số còn lại chỉ tiêm được 1 - 2 mũi đầu.

Mô tả ảnh.
Bệnh viện Nhiệt Đới cũng đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân sởi là người lớn.

Bệnh viện đã bố trí riêng 2 phòng để điều trị nội trú cho bệnh nhi sởi theo phương pháp cách ly hoàn toàn. Khi bệnh nhân tăng cao, sẽ mở rộng khu này.

Hiện khoa Nhiễm đã bố trí gần 150 giường để điều trị cho các bệnh nhi. Để đối phó với dịch, bệnh viện cũng đang lên kế hoạch tập huấn cho tất cả các y, bác sĩ.

Để đối phó với dịch sởi đang hoàng hành, các ông bố, bà mẹ ồ ạt đưa con đi tiêm phòng. Đường dây nóng Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh) liên tục nhận các cuộc gọi hỏi thông tin về vắc xin sởi. Số lượng người đi tiêm sởi cũng tăng đột biến.

Mô tả ảnh.
Trẻ tiêm phòng sởi tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội.

Tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ khác ở Hà Nội cũng chật cứng người. Ở Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (35 Trần Bình, Hà Nội), nhiều gia đình từ các vùng lân cận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Sơn Tây… mang con xuống đi tiêm phòng sởi. Song trung tâm thông báo hết vắc xin, nhiều người bức xúc cho con ra về.

Chị Phạm Thúy Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) đưa hai con Phúc Đan (7 tuổi) và Phúc Lâm (2 tuổi) tiêm văc xin nhắc lại mũi 2. Cậu anh đã quá lịch tiêm, còn cậu em chưa tới lịch tiêm, nhưng lo dịch nên hai bé được tiêm cùng lúc. Các cháu của chị cũng được đi tiêm phòng sởi trong dịp này.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng cho hay: "Thông thường, sau khi tiêm vắc xin phải cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ. Trong thời gian cơ thể chưa có miễn dịch bảo vệ thì vẫn có nguy cơ phơi nhiễm và mắc bệnh".

Mô tả ảnh.
Rất đông người chờ tiêm phòng sởi tại Đà Nẵng.

Trung tâm Y tế dự phòng tại TP.Đà Nẵng cũng đã quá tải về số bệnh nhân đi tiêm vắc xin sởi. Tại đây hiện đã hết vắc xin 3 trong 1 của Cộng hòa Séc, chỉ còn lại vắc xin 3 trong 1 của Mỹ.

Được biết, ngành Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng đã lên kế hoạch tiêm ngừa sởi vét cho 8.500 lượt trẻ trên địa bàn TP.Đà Nẵng; trong đó có 4.077 trẻ tiêm ngừa sởi mũi 1 và 4.359 trẻ tiêm ngừa sởi mũi 2.

Tính từ đầu năm đến nay, TP.Đà Nẵng có gần 100 trường hợp nghi sởi, qua việc lấy mẫu xét nghiệm, chỉ có 34 trường hợp dương tính với sởi. Tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát của ngành Y tế dự phòng TP.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn