Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Kính cho biết, phần lớn bệnh nhân sởi trong số 313 ca bệnh là người lớn. "Có nhiều ca nặng, nhưng đến giờ chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Đó là điều chúng ta an tâm trong bối cảnh hiện nay", tiến sĩ Kính nói.
Theo ông Kính, bất cứ ai chưa có miễn dịch (chưa tiêm phòng, chưa từng mắc) thì đều có nguy cơ bị sởi, người lớn cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu trẻ thường biến chứng chủ yếu là bội nhiễm đường hô hấp dẫn tới suy hô hấp nặng thì ở người lớn là biến chứng viêm não.
Tiến sĩ Kính cảnh báo, theo truyền thống của người Việt Nam khi một cháu ốm thì 3-4 người đi theo. Một số người đã có miễn dịch nhưng lại mang virus trong đường hô hấp, quay trở lại gia đình làm lây lan virus. Vì thế, mỗi cá nhân cũng cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung như đeo khẩu trang y tế ở chỗ đông người, bệnh viện; rửa tay bằng dung dịch sát khẩu...
Người lớn chăm sóc trẻ bị sởi có thể nhiễm bệnh hoặc lây lan cho người khác. |
Theo một công bố của Bộ Y tế vào ngày hôm qua, số mắc bệnh sởi có xét nghiệm xác định lên tới trên 7.000 bé, tăng hơn gấp đôi so với công bố sáu ngày trước (gần 3.400 ca).
Trong số này, có 30% bệnh nhi sống ở Hà Nội. Về số đã tử vong do sởi, chỉ tính tại Bệnh viện nhi T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai và tỉnh Yên Bái, đã có 111 trường hợp tử vong do sởi (50% ca tử vong là trẻ em Hà Nội).
Sau ba năm không có ca nào, bệnh sởi bùng phát trở lại từ tháng 12/2013 và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Điểm đặc biệt của đợt bệnh này là nhiều ca nặng, biến chứng nhanh, tử vong cao.
Nguyên nhân của đợt bùng phát mạnh mẽ này được cho là do tiêm phòng vắcxin chưa thực hiện đầy đủ, bởi đa phần trẻ mắc là những trẻ chưa có miễn dịch. Cũng có ý kiến cho rằng sự chậm trễ công bố dịch và ban bố biện pháp phòng ngừa là nguyên nhân khiến số ca mắc tăng vọt và nhiều ca diễn tiến nặng như hiện nay.