Ngày 28/3, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Đặng Văn Viện cho biết, hai giáo viên trường mầm non xã Hương Sơn, Mỹ Đức, nhốt bé gái Mai Thị Yến, học lớp mẫu giáo 4 tuổi trong khuôn viên trường rồi bỏ quên, đã bị đình chỉ công tác.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đang phối hợp với nhà trường xem xét mức độ sai phạm, để có hình thức xử lý theo đúng quy định.
Cụ thể, hai giáo viên bị đình chỉ công tác là Vương Thị Hương và Vương Thị Loan, cùng là giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo 4 tuổi.
Hiện nhà trường cùng hai giáo viên đã đến thăm hỏi, xin lỗi gia đình cháu Yến và phụ huynh cháu Yến cũng đã nhận lời xin lỗi. Tuy nhiên, gia đình cháu Yến yêu cầu nhà trường kiểm điểm nghiêm khắc hai cô giáo và có hình thức kỷ luật đối với hành vi này.
Ông Đặng Văn Viện cho biết thêm: "Đây là sự việc không mong muốn và chưa từng xảy ra trên địa bàn huyện. Chúng tôi sẽ triệu tập hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn để quán triệt rút kinh nghiệm sâu sắc công tác chuyên môn giảng dạy, đặc biệt là nâng cao đạo đức, tác phong nhà giáo, quyết tâm không để trường hợp tương tự xảy ra."
Trước đó, ngày 21/3, trong giờ học, cô giáo Vương Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo 4 tuổi có phạt lỗi cháu Mai Thị Yến với hình thức đứng tại góc lớp vì lý do gây gổ với bạn cùng lớp.
Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều, do nhiều việc, cô Hương sao nhãng nên không biết bé Yến đã ra ngoài hay tự về nhà khi nào.
Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, một người dân đi qua, nghe tiếng khóc trong khuôn viên trường, đã trèo qua tường vào lớp đón bé Yến và đưa về nhà.
Đến sáng 28/3, cháu Mai Thị Yến đã đến lớp bình thường và không có biểu hiện sợ sệt hay bị ốm.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên giáo viên mầm non bị đình chỉ vì tắc trách trong giảng dạy, hành xử không đúng mực gây hậu quả nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần của học sinh.
Chỉ cách mấy ngày (24.3) UBND huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cũng phải ra quyết định về việc tạm đình chỉ công tác với bà Vũ Thu Hằng – Hiệu trưởng trường Mầm non xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai) vì hành vi phản giáo dục. Trước đó, để dỗ nín một học sinh lớp 4 tuổi, cô hiệu trưởng trường này đã dùng biện pháp... dốc ngược đầu trẻ xuống máy vặt lông gà của trường và dọa nếu không nín sẽ... cắm điện.
Ngày 6.2 trước đó, Phòng GD ĐT quận Hai Bà Trưng cũng phải đình chỉ việc đứng lớp của hai cô giáo mầm non trường mần non Sen Vàng và giải thể trường này vì vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ. Cụ thể, trước đó, vì trẻ mắc lỗi hai cô giáo mầm non đã “ra tay” với trẻ bằng hình thức... cầm dép đập thẳng vào đầu, vào mặt và lên gối thúc vào bụng trẻ.
Sau đó 4 ngày (10.2), cô giáo mầm non Ngô Thị Thùy Linh – trường Mầm non Thanh Xuân Nam (phường Đông Hương, Tp Thanh Hóa) đã bị đình chỉ vì dùng đũa đánh bầm tím đùi một học sinh.
Đình chỉ giảng dạy là hình thức kỷ luật cao nhất mà các giáo viên mầm non phải gánh chịu sau những sai lầm . Tuy nhiên, điều mà nhiều người day dứt đó là, việc xử lý đã nghiêm tại sao các vụ bạo hành trẻ trong trường mầm non vẫn liên tiếp diễn ra và ngày càng nhiều?
Nói về vấn đề này, Th.sỹ Nguyễn Thu Hương – chuyên gia tư vấn tâm lý học đường tại Tp Hồ Chí Minh cho rằng, áp lực công việc chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra những sự cố bạo lực trong trường mầm non.
“Giáo viên mầm non công việc rất nặng nhọc, thời gian phải làm việc nhiều hơn giáo viên bình thường. Bên cạnh đó, cơ chế lương, phụ cấp lại quá thấp... Môi trường làm việc chịu chi phối nhiều từ chủ trường và phụ huynh” – bà Hương nói.
Nguyên nhân khác theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, hành vi bạo lực chỉ xảy ra với những giáo viên thường hành xử với trẻ theo bản năng nhiều hơn là kỹ năng nghề nghiệp được tập huấn.
“Trong nhiều huống như trẻ khóc, không nghe lời, không chịu ăn...Cô giáo thiếu kinh nghiệm thường dễ lúng túng không biết cách xử lý sẽ dẫn đến hành động dùng vũ lực để áp chế cho trẻ sợ. Cũng có những giáo viên đã được nhắc nhở, có nghiệm vụ, kỹ năng nghề nhưng vẫn mắc sai sót, sẵn sàng đóng cửa lớp, vứt trẻ bên ngoài hoặc đánh trẻ… Đó là những giáo viên thiếu lương tâm nghề nghiệp, thiếu tình thương và không có đạo đức nghề nghiệp” – ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, để chấm dứt bạo lực học đường cần tạo môi trường sư phạm tốt cho giáo viên, nâng cao kỹ năng, sàng lọc kỹ những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực. Ngoài ra, còn phải có cơ chế phù hợp về lương phụ cấp cho giáo viên mầm non.