Đồ rê mí ép mầm tài năng?

08:46, Chủ nhật 29/07/2012

( PHUNUTODAY ) - "Mọi thứ đang bị người lớn ép các em gồng cho giống ca sĩ chuyên nghiệp, chứ bản thân các em chưa ý thức được chuyện này, ngoại trừ việc năng khiếu có sẵn", PV Vĩnh Khang nói.

"Mọi thứ đang bị người lớn ép các em gồng cho giống ca sĩ chuyên nghiệp, chứ bản thân các em chưa ý thức được chuyện này, ngoại trừ việc năng khiếu có sẵn", Phóng viên Vĩnh Khang, người luôn theo dõi sát các chương trình gameshow hiện nay chia sẻ về chương trình Đồ rê mí 2012 đang bị dư luận cho rằng bị 'đạo diễn' quá nhiều, đánh mất nét đáng yêu của trẻ thơ.

 Ai làm các bé thi Đồ-rê-mí già chát, giả tạo?


PV: Vậy anh đánh giá thế nào về màn trình diễn mà các em đã thể hiện trong chương trình Đồ rê mí?

PV Vĩnh Khang: Tôi có theo dõi chương trình này, tôi thích cách Xuân Bắc dẫn dắt chương trình. Không chỉ năm nay mà các năm trước, tôi đều theo dõi.

Theo quan sát của tôi, chương trình ngày càng công phu về mặt dàn dựng, đạo cụ, sân khấu, một điểm đặc biệt nữa, ai mà hay phàn nàn "trẻ con thời nay vẫn cứ hát "con cò bé bé"..." thì xin mời xem Đồ rê mí, 1 lượng lớn ca khúc mới có, cũ có, ca khúc ít phổ biến cũng có... được phổ cập, hoà âm mới, nói chung là rất hấp dẫn.

Hầu hết các em đều có tố chất, nhạc cảm tốt, nhạy bén với các thể loại nhạc. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mọi thứ đang bị người lớn ép các em gồng cho giống ca sĩ chuyên nghiệp, chứ bản thân các em chưa ý thức được chuyện này, ngoại trừ việc năng khiếu có sẵn.

Nói đi cũng phải nói lại, đây là chương trình phục vụ cho việc quay hình nên mọi thứ phải chỉn chu như vậy, cũng có cái lí của nó.

PV Vĩnh Khang:
PV Vĩnh Khang: Tôi thích cách Xuân Bắc dẫn dắt chương trình


PV:  Đồ rê mí năm nay được dàn dựng khá công phu, hoành tráng. Nhưng cũng chính vì thế mà khán giả cho rằng, chương trình đang làm mất đi tính tự nhiên, vốn có của trẻ  nhở và không còn là một sân khấu trong sáng, hồn nhiên đúng với lứa tuổi? Trẻ con thi hát như chạy marathon đến kiệt sức, lại phải “đóng vai” người lớn dưới bàn tay của đạo diễn?

PV Vĩnh Khang: Thông thường, ở 1 chương trình dành cho trẻ em, thì yếu tố cảm xúc phải đặt lên hàng đầu.

Trẻ con hay ở chỗ là thật thà, kiểu buồn thì khóc, vui thì cười. Trẻ con hát cũng vậy, nhiều cái kĩ thuật chưa chuẩn nhưng hay ở cái chưa chuẩn và cảm xúc đấy.

Nhưng ở Đồ rê mí tôi chưa thấy được cái đó trong âm nhạc, những phút giây thật nhất của các em chủ yếu được tìm thấy ở phần hậu trường như các em tập luyện, vui chơi, tham gia hoạt động ngoại khoá... là chính.

Còn vấn đề đạo diễn, đó là tất yếu của 1 bất kì chương trình truyền hình nào. Nhiều khi tôi còn suy nghĩ cực đoan, họ phục vụ khán giả truyền hình là chính, nhiều khi những nhân tố con người hậu cuộc thi chỉ là phụ.

Suy nghĩ như vậy, nên tôi nghĩ, đạo diễn có can thiệp, sắp xếp chuyện nọ chuyện kia cho chương trình được hấp dẫn trên truyền hình cũng là chuyện bình thường.

PV: Theo anh gameshow Đồ rê mí có thực sự đang ươm mầm tài năng nhí như tuyên bố của ban tổ chức?

PV Vĩnh Khang: Cái này thì tôi không chắc. Cách đây không lâu, tôi và 1 anh bạn là ca sĩ chuyên nghiệp, có ngồi xem chương trình Vietnam's got talent. Có 1 cô bé (là thí sinh bước ra từ "lò" Đồ rê mí) biểu diễn ca khúc "Con cò" của nhạc sĩ Lưu Hà An.

Tôi xem mà thấy thương cho cổ họng của bé, bé cố hát to, khoẻ và gào, nhìn chung thì tôi thấy phần trình diễn đó ổn, khán giả cũng cổ vũ bé rất sung.

Anh bạn tôi bảo là, bé này hát mà bao nhiêu cái gân cổ nổi hết cả lên, như thế là sai cơ bản. Có thể bé còn nhỏ, chưa ý thức được chuyện hát thế nào là đúng nhưng nếu cái sai đó thành thói quen, sau này sẽ rất khó sửa.

Tôi không hiểu các chuyên gia ở Đồ rê mí dạy các em hát thế nào nhưng hát như cô bé là chưa ổn, đó là chưa nói đến việc cách em chọn bài, rất không ổn, giai điệu khó hát, trúc trắc...

Tôi được phép nghi ngờ, đó là việc bé cố tỏ ra người lớn để hát ca khúc đó hay là bé thực sự hiểu và yêu thích ca khúc đó?

Trong chương trình Đồ rê mí cũng vậy, một số ca khúc rất người lớn, có giai điệu trúc trắc, phần ca từ có tính triết lý, có thể kể ra đây như "Đám cưới chuột...", tôi ít nhiều không tin, các em cảm được ca khúc này lắm.

Còn chuyện tài năng, tất nhiên là các bé đều có tài nhưng "ươm mầm" cho nó thành cây, nảy chồi hay không, thì tôi không chắc vì tôi cũng chỉ xem qua tivi. Mà chuyện "ươm mầm" không đơn giản như thế nên không thể nói được gì.

PV: Có ý kiến cho rằng tài năng thì nên được phát hiện để sớm tỏa sáng, đặc biệt là trẻ nhỏ?

PV Vĩnh Khang:  ôi không cho là như vậy bởi 1 loạt ngôi sao "sớm nở tối tàn" trên thế giới. Tôi nghĩ làm nghệ thuật thì trẻ là 1 lợi thế nhưng không quyết định tất cả.

Nhìn vào những Lindsay Lohan, Aeron Carter vào tù ra tội, tôi thấy giáo dục quan trọng hơn. Một số ca sĩ thành công sớm nhưng đi sai đường trong nghệ thuật, loay hoay định hình phong cách, tôi lại thấy thẩm mỹ thật quan trọng.

Chuyện toả sáng phải tổng hoà được nhiều yếu tố, trẻ chỉ đơn thuần là 1 yếu tố trong tất cả mà thôi.

Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

                    Phóng viên Hà Tùng Long: Giám khảo cũng không nên nhí nhảnh thái quá

với Đồ rê mí 2011 thì Đồ rê mí 2012 đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Thay đổi trước tiên phải kể đến đó là các thí sinh tham gia năm nay tương đối đa dạng, đến từ nhiều vùng miền khác nhau và các thí sinh sàn sàn tuổi nhau nên dễ chia sẻ, đồng cảm, gần gũi.

 Nhưng thay đổi đáng kể hơn cả đó là các hoạt cảnh phụ họa cho các màn trình diễn của bé đã có sự đầu tư và được dàn dựng chuyên nghiệp, rất gần gũi với nội dung bài hát.

Bên cạnh đó, các bé cũng được tư vấn khá kỹ cách chọn bài và phong cách trình diễn trên sân khấu nhờ đó các bé thả hết được hồn mình vào bài hát. Và hầu hết các bài hát đều phù hợp với chất giọng của các bé.

PV Hà Tùng Long: Đồ rê mí năm nay bị rất nhiều hạn chế về hóa trang
PV Hà Tùng Long: Đồ rê mí năm nay bị rất nhiều hạn chế về hóa trang
Tuy nhiên, cũng chính vì can thiệp kỹ quá mà nhiều bé đã bị mất đi nét hồn nhiên, ngây thơ… của lứa tuổi. Thậm chí nhiều động tác biểu diễn các bé cứ như phải thực hiện theo ý đồ người lớn chứ đó không hoàn toàn là chủ định của các bé.

Nhiều khi các bé buộc phải “chạy” theo kịch bản đã được dàn dựng sẵn khiến cho phần diễn bị lệch, phô, cứng. Từ điều này người ta có thể dễ dàng nhận ra các bé phải đang diễn chứ không phải đang hát. Ngay cả những lời kịch thêm vào cùng bài hát, ngôn ngữ cũng quá người lớn.

Bên cạnh đó, Đồ rê mí năm nay bị rất nhiều hạn chế về hóa trang. Việc hóa trang quá sặc sỡ, quá cầu kỳ… cho các bé đã làm mất đi nét đẹp trẻ thơ vốn có của mỗi bé. Không chỉ bé gái mà ngay cả bé trai cũng được trát phấn dày cộm đến nỗi qua màn hình thôi người ta cũng đã đủ nhận ra.

Thêm vào đó, việc đeo cho các bé quá nhiều thứ phụ kiện trên người cũng tạo nên sự rườm rà không đáng có. Thậm chí, có nhiều bộ trang phục và kiểu tóc quá người lớn khiến cho người xem có cảm giác bé già hơn so với tuổi.

Chẳng hạn như bộ trang phục rock của bé Bảo Trân trong đêm thi Hát cùng ban nhạc. Hay nếu theo dõi kỹ thì thấy bé Trần Nhật Tiến mỗi khi xuất đều được trang điểm rất kỹ, phấn trát dày, lông mi được chuốt đậm, nhiều lúc còn được tô son màu đỏ đậm nữa".

Trước ý kiến chương trình đang làm mất đi tính tự nhiên, vốn có của trẻ con và không còn là một sân khấu trong sáng, hồn nhiên đúng với lứa tuổi nhi đồng, PV Hà Tùng Long cho biết:

"Theo cá nhân tôi thì điều này đúng nhưng chỉ một phần. Vì thực tế, Đồ rê mí là một sân chơi dành cho các bé tuổi nhi đồng nhưng cũng là một chương trình truyền hình, nó buộc phải thỏa mãn một số nhu cầu của các khán giả nhí. Mà khán giả nhí hiện nay cũng có nhu cầu rất cao về cả phần nghe và phần nhìn. Chính vì thế, nhà sản xuất đã tìm cách thay đổi format để tạo sự hấp dẫn, mới mẻ là hợp lý.

Tuy nhiên, đã gọi là sân chơi thì phải tạo nên sự thoải mái tối đa cho người chơi. Nghĩa là ở sân chơi đó, người chơi phải được phát huy tối đa thế mạnh, sở trường và đặc tính tự nhiên vốn có. Việc dàn dựng các kịch bản riêng cho mỗi bài hát cũng như tư vấn cho các bé cách biểu diễn trên sân khấu nên dựa vào khả năng thực tế của từng bé.

Không nên tác động quá sâu làm các bé trở thành những chú robot trên sân khấu và không nên bắt bé nào cũng phải làm được như bé nào. Cần để cho các bé bộc phát cảm xúc một cách tự nhiên đúng với lứa tuổi và năng lực thực sự. Kèm theo đó là tôn trọng ý kiến của các bé đối với các chi tiết nhỏ trong từng kịch bản.

Giám khảo cũng không nên nhí nhảnh thái quá. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể lý giải được vì sao trong đêm thi Hát cùng ban nhạc của Đồ rê mí phát vào Chủ Nhật tuần rồi, sau khi bé Trần Nhật Tiến có mặt ở bàn BGK, GK Châu Anh cầm mic nói những cảm xúc của mình về bài hát và về mẹ mình thì ngay sau đó có luôn một cảnh phỏng vấn mẹ đẻ của GK Châu Anh".
  • Phạm Lý (thực hiện)
     
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc