Xì hơi” hay còn gọi là trung tiện, là do nguồn thức ăn khi chưa tiêu hóa hết ở dạ dày xuống đại tràng được các vi khuẩn tiếp tục phân hủy và bài tiết ra khí thải, chúng tích tụ đến một lúc nào đó quá nhiều và phải thoát ra ngoài qua hậu môn.
Ở một số người, do thiếu một số men phân hủy alpha - galactosides (là một loại đường có nhiều trong các loại đậu, ngũ cốc) nên khi chất đường này xuống tới ruột già thì bị các vi khuẩn phân hủy và sinh ra nhiều hơi, dẫn đến tình trạng xì hơi liên tục... vì hơi bị nhiều hơn người khác.
Như vậy, có thể nói nguyên nhân chính của hiện tượng “xì hơi” quá nhiều phần lớn là do thói quen ăn uống.
Hằng ngày, nếu ăn quá nhiều chất bột, dầu mỡ và ít chất xơ, rau xanh, trái cây, đặc biệt là những ai thường xuyên ăn khoai lang, khoai tây, mì tôm thì thường dễ “xì hơi” nhiều hơn.
Một số trường hợp do ăn quá nhanh, đường ruột sẽ chứa nhiều không khí thì cũng dẫn tới tình trạng “xì hơi” nhiều lần.
Thực tế, ai cũng phải “xì hơi”. Vì nó chứng tỏ quá trình tiêu hóa hoạt động tốt. Về bản chất thì “xì hơi” nhiều không phải là bệnh. Tuy nhiên, với một số người thì “xì hơi” nhiều, liên tục lại là biểu hiện của một số bệnh. Vì vậy, các bạn cũng nên chú ý hơn tới các biểu hiện này để phòng tránh và chữa trị kịp thời.
Rối loạn đường ruột
Khi bị “xì hơi” quá nhiều, các bạn nên chú ý hơn tới cơ thể của mình. Ở một số người, xì hơi nhiều và liên tục chính là biểu hiện của một số căn bệnh về đường ruột như rối loạn tiêu hoá, viêm ruột, rối loạn nhu động ruột, hội chứng kích thích ruột… Đối với trường hợp viêm ruột già, ngoài “xì hơi” nhiều, chúng ta còn có thể mắc phải các triệu chứng khác kèm theo như đau bụng, tiêu chảy, nóng sốt, đại tiện ra máu…
Không chỉ thế, hội chứng ruột bị kích thích cũng có thể gây ra tình trạng xì hơi nhiều lần. Hội chứng này thường kèm theo các triệu chứng như đau hoặc khó chịu ở bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc vừa tiêu chảy vừa táo bón… Do đó, các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các biểu hiện của cơ thể khi chúng mình bị “xì hơi” quá nhiều nhé!
Dạ dày bị ảnh hưởng
Cũng giống như rối loạn đường ruột, “xì hơi” nhiều cũng cảnh báo các vấn đề về dạ dày như viêm dạ dày, đau dạ dày… Bên cạnh đó, nếu bạn rơi vào trường hợp xì hơi đi kèm với các triệu chứng như tiêu chảy hay ợ nóng, rất có thể bạn đã bị trào ngược dịch vị hoặc không dung nạp lactose và gluten. Bên cạnh các dấu hiệu trên, nó còn có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau quặn ở bụng hay thực quản, nôn mửa, đi tiêu ra máu… Do đó, các bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa sớm nhất có thể để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Nguy cơ rò hậu môn
Rò hậu môn, còn gọi là mạch lươn, là một căn bệnh ở vùng hậu môn trực tràng. Một trong những triệu chứng của bệnh này là có cảm giác ngứa ngáy hoặc đau nhẹ khi bị “xì hơi” qua lỗ rò ở hậu môn. Ngoài ra, đau khi “xì hơi” còn là biểu hiện của bệnh nứt kẽ hậu môn hoặc trĩ. Cách tốt nhất cho chúng ta là tới bệnh viện kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Dấu hiệu của ung thư
Theo phân tích của các chuyên gia, “xì hơi” quá nặng mùi khi ăn các bữa ăn quá chất chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng ung thư đại tràng. Nguyên nhân là do khi ăn các thức ăn nhiều dinh dưỡng vượt quá khả năng hấp thu của đường ruột, khi tới đại tràng sẽ bị lên men, làm tăng thêm các amin có hại có mùi thối rất nặng. Do đó, đây là một tín hiệu rất nguy hiểm cảnh báo tình trạng xấu của sức khỏe. Các bạn nên đến bác sĩ kiểm tra sớm nhất có thể nhé!