Đóng kín cửa bật điều hòa là sai lầm: Đây mới là cách dùng thoải mái nhất, không hại người ai cũng nên biết
Ai cũng nghĩ khi sử dụng điều hòa đóng kín cửa sẽ là cách đỡ tốn điện nhất và đúng nhất. Vậy có đúng như vậy không?
Thời tiết oi bức, nắng nóng gây khó chịu, bức bối cho con người. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, thay vì phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt đó, con người lựa chọn sử dụng điều hòa nhằm mang lại sự thoải mái, khỏe khoắn, tuy nhiên đi đôi với nó là hoá đơn tiền điện tăng cao. Một số người lựa chọn đóng kín mít cửa, nhằm giảm thiểu thất thoát nhiệt một cách tối đa, tuy nhiên cách làm này không đúng hoàn toàn, nó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ.
Vì sao không nên đóng cửa kín bật điều hòa
Cơ chế làm lạnh của điều hoà là không khí trong phòng tiếp xúc với dàn lạnh có nhiệt độ thấp sẽ giảm nhiệt độ xuống. Như vậy, vẫn là bầu không khí trong phòng đó được giảm nhiệt chứ không mĩ miều như quảng cáo là mang lại luồng không khí lạnh tươi mát. Trừ phi, điều hoà nhà bạn là thiết bị cao cấp, có bộ phận tạo tia plasma, tạo ra khí ozon khử trùng không khí. Nếu liên tục sử dụng điều hòa trong phòng nhỏ đóng kín cửa thì chỉ sau vài ngày, chúng ta sẽ cảm thấy bí bách, nặng nề, giống như không có oxy để thở.
Không khí trong phòng điều hòa đóng kín thường độc hại gấp 2-5 lần so với không khí ngoài trời. Điều này sẽ gây hại cho sức khỏe gia đình, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.
Thế nên, thay vì tránh thất thoát nhiệt để tiết kiệm điện, bạn nên tạo những khe hở nhỏ trong phòng để lưu thông khí, lắp thêm quạt thông gió; nên lựa chọn các loại điều hòa có kèm chức năng lọc không khí, vừa giúp làm mát, vừa đảm bảo sức khỏe. Khi có sức khoẻ con người có thể làm ra tiền chứ tiền chưa chắc đã mua được sức khoẻ.
Khi nhiệt độ giảm xuống (vào chiều tối, khi trời mưa...), bạn có thể tắt điều hòa, mở cửa phòng để không khí lưu thông.
Một số việc cần làm khi mở điều hòa để tốt cho sức khỏe và tiết kiệm điện
1. Không để nhiệt độ quá thấp
Khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm từ 1,5-3% tùy vào loại máy và cách sử dụng. Nếu hạ nhiệt độ điều hòa xuống 1 độ C thì điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm 1,5-2,5%. Để tiết kiệm điện mà vẫn đủ thoải mái, bạn nên để mức điều hòa nhiệt độ trong khoảng 26-28 độ C. Nếu nhiệt độ đó mà bạn vẫn cảm thấy nóng, chứng tỏ điều hoà nhà bạn chọn công suất không phù hợp, máy phải làm việc liên tục không đạt hiệu quả làm mát và hoá đơn tiền điện cao vọt.
2. Kết hợp điều hòa với quạt điện
Đây là biện pháp giúp làm mát căn phòng vừa giúp tiết kiệm một phần điện. Quạt sẽ giúp hiệu quả làm mát tốt hơn, khí lạnh sẽ được đưa đến mọi ngóc ngách trong phòng. Chỉ cần sử dụng quạt trong khoảng 15 phút đầu khi mới khởi động điều hòa. Sau đó, bạn có thể tắt quạt. Không khí trong phòng đã đủ mát thì dùng quạt sẽ gây lãng phí điện.
3. Không bật - tắt điều hòa liên tục
Một số người có thói quen tắt điều hòa khi cảm thấy phòng đủ lạnh và bật lên khi bắt đầu thấy nóng để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, thói quen này sẽ khiến hóa đơn tiền điện của gia đình tăng lên nhanh hơn. Theo các chuyên gia điện máy, quá trình bật - tắt điều hòa làm máy nén, động cơ quạt phải khởi động lại nhiều lần, dòng điện trong quá trình khởi động lớn đồng nghĩa với thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng hơn.
Ngoài ra, việc nhiệt độ xung quanh thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng khống tốt đến sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi.
4. Chỉ sử dụng chế độ Dry Mode trong ngày ẩm
Một số người cho rằng sử dụng chế độ Dry Mode kết hợp với bật quạt gió nhẹ có thể giúp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, chế độ Dry Mode chỉ phát huy tác dụng khi môi trường có độ ẩm cao hoặc những ngày nhiều mưa. Vào những ngày oi bức, độ ẩm thấp, khi bật chế độ Dry, điều hòa sẽ hoạt động như một máy hút ẩm, làm giảm độ ẩm trong không khí và khiến chúng ta cảm thấy khô hơn, khó chịu hơn mà hoá đơn tiền điện cũng không giảm như mọi người truyền tai.