Đóng kín cửa bật điều hòa tưởng tiết kiệm hóa ra là dại: Đây mới là cách dùng không tốn điện, không hại người

( PHUNUTODAY ) - Khi sử dụng điều hòa, bạn cần biết một số điều để vừa mát, vừa tiết kiệm lại không hại cho sức khỏe.

Điều hòa là thiệt bị không thể thiếu vào mùa hè. Tuy nhiên việc sử dụng điều hòa sai cách không chỉ khiến tiêu tốn điện năng và còn gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt nhiều người cho rằng, sử dụng điều hòa là phải đóng cửa kín mít, điều này đúng hay sai? Hãy cùng tìm hiểu.

Tác hại của việc đóng kín cửa phòng khi bật điều hòa

Các chuyên gia về máy điều hoà cho biết một thông tin khá bất ngờ là không khí trong một căn phòng đóng kín có khả năng nhiễm khuẩn cao hơn không khí tự nhiên bên ngoài gấp 2 - 5 lần.

Khi mở máy điều hòa, các gia đình Việt Nam thường có thói quen đóng kín cửa lại để tiết kiệm điện. Vì nguyên do này mà khiến căn phòng trở nên ngột ngạt hơn, làm thiếu oxy để hô hấp do không gian kín. Đặc biệt với đối tượng là người già và trẻ nhỏ thì khả năng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe càng cao.

8

Các cách sử dụng điều hòa hạn chế tác động tiêu cực đến sức khỏe

Mở cửa cho căn phòng được “thở”

Việc đóng cửa phòng để hạn chế hơi lạnh thất thoát ra ngoài không phải là một cách làm sai, thế nhưng bạn không nên đóng kín cửa phòng trong một khoảng thời gian quá dài, điều này sẽ gây hại cho sức khỏe.

Các chuyên gia khuyên rằng cứ khoảng 30 phút, bạn nên mở cửa phòng để căn phòng được “thở” một lần. Việc này sẽ giúp không khí trong phòng được “thay mới” và tránh được sự bí bức không tốt cho cả tinh thần lẫn sức khỏe của người ở bên trong.

Khi nhiệt độ giảm xuống (vào chiều tối, khi trời mưa...), bạn có thể tắt điều hòa, mở cửa phòng để không khí lưu thông.

Lắp quạt thông gió

Một chiếc quạt thông gió được lắp trong phòng sẽ hỗ trợ cho quá trình lưu thông không khí, hạn chế việc phòng bị ngột ngạt, thiếu oxy.

Khi sử dụng điều hòa thì bạn cũng hãy nhớ bật quạt thông gió luôn nhé! Vì không khí được lưu thông sẽ giúp hạn chế những tác động tiêu cực cho sức khỏe của gia đình bạn.

Không để nhiệt độ quá thấp

Khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm từ 1,5-3% tùy vào loại máy và cách sử dụng. Nếu hạ nhiệt độ điều hòa xuống 1 độ C thì điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm 1,5-2,5%.

Để tiết kiệm điện, bạn nên để mức điều hòa nhiệt độ trong khoảng 25-28 độ C.

2

Kết hợp điều hòa với quạt điện

Việc này khiến nhiều người có cảm giác tốn điện hơn. Tuy nhiên, đây là biện pháp giúp làm mát căn phòng vừa giúp tiết kiệm một phần điện.

Quạt điện sẽ giúp hơi lạnh lan tỏa trong phòng nhanh hơn, khiến phòng được làm lạnh nhanh. Chỉ cần sử dụng quạt trong khoảng 15 phút đầu khi mới khởi động điều hòa. Sau đó, bạn có thể tắt quạt. Không khí trong phòng đã đủ mát thì dùng quạt sẽ gây lãng phí điện.

Bật - tắt điều hòa liên tục

Một số người có thói quen tắt điều hòa khi cảm thấy phòng đủ lạnh và bật lên khi bắt đầu thấy nóng để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, thói quen này sẽ khiến hóa đơn tiền điện của gia đình tăng lên nhanh hơn.

Theo các chuyên gia điện máy, bật - tắt điều hòa liên tục sẽ làm máy nén, động cơ quạt phải khởi động lại nhiều lần và làm lạnh đến mức nhiệt độ đã cài đặt. Điều này đồng nghĩa với thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng hơn.

Ngoài ra, việc nhiệt độ xung quanh thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng khống tốt đến sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Sử dụng chế độ Dry Mode

Một số người cho rằng sử dụng chế độ Dry Mode kết hợp với bật quạt gió nhẹ có thể giúp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, chế độ Dry Mode chỉ phát huy tác dụng khi môi trường có độ ẩm cao hoặc những ngày nhiều mưa. Vào những ngày oi bức, độ ẩm thấp, khi bật chế độ Dry, điều hòa sẽ hoạt động như một máy hút ẩm, làm giảm độ ẩm trong không khí và khiến chúng ta cảm thấy khô hơn.

Chọn vị trí đặt điều hòa

Nếu có thể, bạn hãy lắp dàn lạnh của điều hòa ở vị trí giữa phòng để đảm bảo luồng khí lạnh được phân bổ đều khắp phòng. Bạn hạn chế lắp đặt ở các vị trí dễ gây thất thoát khí lạnh như cửa ra vào, cửa sổ hoặc góc phòng.

Dàn nóng nên được che đậy, đặt ở nơi có bóng râm, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. Khoảng cách giữa dàn nóng và dàn lạnh tối thiểu là 3 mét và tối đa là 15 mét để luồng khí gas được luân chuyển thuận lợi.

Vệ sinh bảo dưỡng điều hòa thường xuyên

Điều hòa hoạt động lâu ngày sẽ lưu lại nhiều bụi bẩn, các bộ phận cần phải sửa chữa hoặc thay thế. Vệ sinh và bảo dưỡng thường xuyên giúp điều hòa của bạn làm lạnh nhanh chóng, hoạt động ổn định, bền bỉ và tiết kiệm điện.

Sử dụng chế độ sleep hoặc hẹn giờ tắt máy qua đêm

Đa phần các điều hòa thế hệ mới đều được trang bị chế độ ngủ giúp tự động điều chỉnh nhiệt độ phù hợp trong đêm khi nhiệt độ ngoài trời hạ xuống, đảm bảo người sử dụng có giấc ngủ thoải mái, dễ chịu.

Nếu điều hòa của bạn không có tính năng này, hãy tính toán và hẹn giờ tắt máy vào ban đêm để đem lại sự thoải mái trong giấc ngủ và cũng giúp tiết kiệm điện hiệu quả.

Theo:  xevathethao.vn copy link