Hiện nay, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bình quân tháng là 6 triệu đồng. Một người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6 triệu đồng x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng 12%) có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng gần 500% (chưa tính đến chế độ hưởng tư vấn, giới thiệu việc làm).
Đây là thông tin được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời đề nghị của cử tri Vĩnh Phúc về việc nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được thanh toán số tiền cá nhân đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (1%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vì theo nguyên tắc của bảo hiểm là “có đóng có hưởng”.
Cơ quan này nêu rõ, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn (như bảo hiểm y tế), tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm với người bị mất việc làm; nhiều người đóng nhưng chỉ có một số ít người mất việc làm mới được hưởng.
Qua đó, nhằm hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho biết, nguyên tắc đóng-hưởng trong bảo hiểm thất nghiệp là nếu xảy ra rủi ro và đáp ứng đủ điều kiện, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng khoản hỗ trợ đền bù về thiệt hại theo từng chế độ chứ không phải đóng tiền vào quỹ...
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề xuất mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Đề xuất đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho người lao động
Hiện Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho người lao động khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng, gồm: hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề... Về phía người sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Trợ cấp thất nghiệp là chiếc “cầu vượt” giúp cho người lao động qua được giai đoạn mất việc làm. Nếu mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao chưa chắc khuyến khích được người lao động.
Từ quan điểm này, TS Phạm Đình Thành - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc duy trì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như hiện nay (60%) sẽ là động lực thúc đẩy người lao động phải tích cực tìm được việc làm mới nhằm bù đắp những khoản thiếu hụt trong chi tiêu hàng ngày.