Tôi từng được xem một câu chuyện như vậy:
Có một đôi vợ chồng trẻ người Anh, trước khi kết hôn liền ghé vào một cửa hàng trang sức. Vì không có tiền nên chàng trai chỉ mua một chiếc nhẫn rẻ tiền, trị giá 130 USD. Đương nhiên là với giá rẻ như vậy nên không có nhẫn kim cương đính kèm.
Kết quả là trong lúc cô gái đang thử chiếc nhẫn trên tay liền nghe thấy tiếng của nhân viên bán hàng nói chuyện với một nhân viên khác: “Cậu có thể tưởng tượng được rằng có người mua chiếc nhẫn này để làm nhẫn đính hôn không? Thật đáng thương!”
Cô gái nghe thấy thế liền nói: “Ý nghĩa quan trọng nhất của một chiếc nhẫn cưới không phải nằm ở giá trị của nó mà nằm ở tình cảm chú rể dành cho bạn nhiều bao nhiêu. Vậy nên xin đừng tùy tiện làm phiền hạnh phúc của người khác như vậy”.
Ngay cả khi nhìn thấy nhược điểm của người khác, chúng ta cũng không có quyền chế giễu, châm chọc họ
Một lần nọ tôi và đám bạn rủ nhau đi ăn tại một nhà hàng của Nhật. Trước khi vào phòng mọi người đều phải tháo dép, để ngoài cửa. Một cậu đồng nghiệp vừa tháo giày thì cô bạn phía sau đã cười ồ lên, nói: “Trời ơi, đường đường một nam tử hán lại xỏ vào chiếc lót giày đỏ chót thế này á!”.
Đồng nghiệp túm tụm lại nhìn thì thấy cái lót giày thủ công bằng chữ “Song hỷ” đỏ ối. Mọi người cười ồ lên. Cậu đồng nghiệp ngượng chín cả mặt.
Có người còn tếu táo: “Với tầm nhìn này chắc chắn cậu sẽ được thăng chức đó. Chúng ta có thể làm thành một xu hướng thời trang đấy nhỉ? Cái lót giày này mà để khách hàng nhìn thấy thì chẳng biết còn mặt mũi nào”.
Mọi người còn ngấm ngầm gọi cậu ấy là quý ông “lót giày đỏ”. Có người còn gọi cậu ấy: “Anh lót giày ơi, đi ăn đồ Nhật đi”.
Trong mắt nhiều người, một biên tập chuyên nghiệp luôn bắt kịp với thời đại như anh thì phải lấy mình làm gương. Bản thân mình còn quê mùa một cục thì dựa vào điều gì mà yêu cầu độc giả tin vào năng lực của mình, để cung cấp cho họ những bộ cánh thời trang đây?
Nhưng đồng nghiệp của anh sẽ vĩnh viễn không thể biết được rằng đôi lót giày này là tấm ân tình và nỗi nhớ nhung của một người mẹ ở quê gửi tới cậu lãng tử đang phiêu bạt làm ăn nơi xa xứ.
Dẫu nhìn thấy nhược điểm của người khác, chúng ta cũng không có quyền ngang nhiên châm chọc và chế giễu họ. Trên thế giới này có ai dám tự nhân mình là người hoàn hảo? E rằng không có. Mỗi người đều có những trải nghiệm, sở trường, con mắt thẩm mỹ và cách sống riêng.
Nếu người khác có những chỗ chẳng như ý thì thử ngẫm lại xem bản thân mình đã thập toàn thập mỹ hay chưa?
Không bình luận, can thiệp vào cuộc sống của người khác là sự tôn trọng và tu dưỡng tốt nhất
Marc Levy, một nhà văn người Pháp đã viết trong cuốn sách “Người trộm bóng” nổi tiếng của mình rằng: “Bạn không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác, ngay cả khi bạn muốn tốt cho họ. Đây là cuộc đời của họ”.
Trên đời này luôn có người không giống bạn, cách nghĩ khác với bạn, và có những giá trị quan không thể dung hoà. Đôi khi không cần bạn phải hạ quyết tâm thay đổi họ. Không bình luận hồ đồ, không tuỳ tiện can thiệp vào cuộc sống riêng tư của họ đã là sự tôn trọng và tu dưỡng tốt nhất của một con người.
Paulo Coelho, nhà văn nổi tiếng người Brazil có một câu nói nổi tiếng như sau: “Nếu ai đó can thiệp vào sứ mệnh của người khác thì sẽ vĩnh viễn chẳng thể phát hiện được sứ mệnh của chính mình”.
Đừng tung hoành ngang dọc trong thế giới của người khác, hãy quay trở về với chính mình, trò chuyện với mình nhiều hơn…