Nhiều F0 dù không bị nặng nhưng mình vẫn hai vạch suốt nhiều ngày
Anh Lê Dương (Bà Rịa – Vũng Tàu) là một F0 với các triệu chứng nhẹ. Anh chia sẻ, ở ngày thứ 11, khi test nhanh anh vẫn thấy 2 vạch dù “cơ thể đã khỏe re”.
Tương tự anh T.V.H, một F0 khác mắc Covid-19 đã 20 ngày nhưng vẫn có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Quá trình nhiễm Covid-19, anh chỉ hơi ngạt mũi, đau người, không có triệu chứng nặng. Sức khỏe trước đây khá tốt, không có bệnh nền bởi vậy khi dương tính kéo dài, anh đã rất lo lắng.
Về vấn đề này, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y, cho biết, trong quá trình tư vấn cho F0, bác sĩ khảo sát trên nhóm tư vấn ghi nhận có khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 gặp tình trạng dương tính kéo dài đến 3 tuần. Theo TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, nhiều người triệu chứng nhẹ, không triệu chứng nhưng vẫn dương tính Covid-19 kéo dài. Tình trạng này thường gặp ở những người hơn 40 tuổi.
TS. BS Tuấn cho hay: Với F0, điều quan trọng không phải là hai vạch kéo dài bao lâu mà là nồng độ Covid-19 trong cơ thể thế nào. Dù vẫn đang hai vạch nhưng nồng độ thấp, không tăng lên cao thì cũng không có gì đáng lo ngại. Còn nếu nồng độ nhiều, tốc độ nhân lên thì sẽ nguy hiểm với cơ thể.
Khi trở thành F0, có một số nhóm người cần đặc biệt chú ý như: người có hệ miễn dịch suy giảm, người có bệnh nền. Những người này cần dùng thuốc kháng virus sớm tránh tình trạng dương tính kéo dài sẽ khiến sức khỏe suy giảm. Bởi nếu cứ phải chống chọi với Covid-19 trong thời gian dài thì có thể ảnh hưởng đến những cơ quan khác của F0.
Còn BS. Lê Xuân Thắng (Nguyên bác sĩ khoa nội tiêu hóa, BV Quân y 103) cho biết: Anh cũng từng tư vấn cho F0 mà sau 15 ngày test vẫn cứ hai vạch.
Theo BS. Thắng, bình thường F0 sau 2 tuần sẽ âm tính. Đó là lý do vì sao mà Bộ Y tế quy định thời gian cách ly F0 là 14 ngày. Song, trong 2 tuần này thì có những người chỉ 5 – 7 ngày đã âm tính nhưng có những người lại cần nhiều thời gian hơn 2 tuần. Tất cả còn phụ thuộc vào sức đề kháng, sự đào thải virus của từng người khác nhau, nghĩa là phụ thuộc vào từng cá thể.
Bên cạnh đó, việc bổ sung dinh dưỡng cho F0 cũng rất quan trọng. Nhiều F0 kiêng khem, không bổ sung dinh dưỡng nên khiến cơ thể không có đủ năng lượng để chống lại Covid-19 dẫn tới tình trạng nhiễm bệnh kéo dài. Nói tóm lại, nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng thì cơ thể rất khó mà khỏe lại được.
F0 mãi không âm tính có nguy hiểm gì tới sức khỏe không?
BS Thắng nói, tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bội phát cho người bệnh. Bên cạnh đó, những người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng có thể chủ quan gây lây lan dịch bệnh.
"Để hạn chế tình trạng mắc Covid-19 kéo dài, người bệnh phải giữ tinh thần thoải mái, ăn uống thêm hoa quả, bổ sung dinh dưỡng để cơ thể tăng đề kháng, tập luyện thể thao nhẹ nhàng. Cơ thể khỏe mạnh mới có thể nhanh chóng hồi phục", BS Thắng khuyến cáo.
Tương tự BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cũng cho rằng, tình trạng dương tính kéo dài có khả năng lây lan dịch bệnh. Vì vậy, F0 vẫn cần tuân thủ các biện pháp 5K, cách ly khỏi các đối tượng, đặc biệt đối nguy cơ trong nhà ví dụ ông bà lớn tuổi, có bệnh nền.
Người bệnh nên điều trị theo triệu chứng, ví dụ khi sốt phải dùng thuốc hạ sốt, ho thì dùng thuốc ho. Đồng thời, người bệnh cần bổ sung dinh dưỡng, tập thể dục và giữ tinh thần thoải mái để tăng sức đề kháng cho cơ thể, sớm khỏi bệnh.