Nhóm đối tượng có nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19
Trên thực tế, có nhiều trường hợp bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hai lần hoặc nhiều hơn.
Tai Vương quốc Anh, các nhà khoa học đã ghi nhận hàng trăm nghìn trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhiều hơn một lần. Trong số các trường hợp nhiễm Omicron, có 10-15% là tái nhiễm.
Nghiên cứu của giáo sư Neil Ferguson chỉ ra rằng một người có nguy cơ tái nhiễm Covid-19 gấp 5 lần nếu tiếp xúc với biến thể Omicron so với Delta. Nguyên nhân là do Omicron có khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn.
Cơ quan An ninh và Y tế Vương quốc Anh ước tính, khoảng 1 trong số 20 trường hợp mắc Omicron ở Anh đã từng mắc Covid-19 trước đó. Khoảng cách giữa 2 lần nhiễm là từ 90 ngày trở lên.
Có thể thấy, Omicron đang gây ra tình trạng gia tăng tỷ lệ tái nhiễm.
Khảo sát vào tháng 10 của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy những người có nhiều khả năng mắc Covid-19 hai lần là phụ nữ, người có triệu chứng nhẹ trong lần nhiễm đầu tiên, người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin. Đây là là thời điểm trước khi Omicron xuất hiện.
Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Nguy cơ mắc Covid-19 lần hai phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch, sự phổ biến của virus, các biến thể đang lưu hành và tình trạng tiêm vắc xin.
Khi một người nhiễm virus, hệ miễn dịch của họ sẽ tạo ra các kháng thể chống lại căn bệnh. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch này có thể không tồn tại vĩnh viễn và có sự thay đổi tùy theo từng người, suy yếu trước các biến thể mới.
Giáo sư Jeffrey Townsend, Trường Y tế Công cộng Yale cho biết việc tái nhiễm có thể xảy ra sau 3 tháng hoặc nhanh hơn sau khi nhiễm Covid-19.
Nói về khả năng tái nhiễm, Phó giáo sư Alex Dornburg, Đại học Bắc Carolina cảnh báo: " Khi biến thể mới xuất hiện, các phản ứng miễn dịch trước đây trở nên kém hiệu quả hơn. Những người từng nhiễm Covid-19 trong giai đoạn đầu đại dịch có nguy cơ tái nhiễm trong tương lai gần".
Phân tích của Đại học London cho thấy, những người từng khỏi Covid-19 được bảo vệ trong ít nhất 10 tháng. Điều này có nghĩa là họ khó nhiễm bệnh 2 lần trong 1 năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận từ thực tế, hiện vẫn có khoảng 2% số người từng nhiễm Covid-19 tái nhiễm nhiều hơn 1 lần.
Theo các chuyên gia y tế, sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể giúp chống lại virus. Tuy nhiên, lượng kháng thể trong cơ thể tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc không tồn tại đủ lâu để giúp con người miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài. Bên cạnh đó, mức độ sinh kháng thể của F0 là khác nhau. Ở một số trường hợp, mức độ sinh kháng thể của người bệnh không đủ để bảo vệ cơ thể nên vẫn có thể tái nhiễm.
Mức độ bệnh khi bị tái nhiễm Covid-19
Các biến thể mới có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhà thống kê cao cấp Kara Steel cho hay tái nhiễm ít có khả năng gây ra bệnh nghiêm trọng.
Đây cũng chính là cơ sở để các chuyên ra tin rằng đến một ngày Covid-19 cũng sẽ giống như cảm lạnh.
Phần lớn các ca tái nhiễm nếu đã được tiêm vắc xin thì đều ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn có thể gặp tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn nếu virus xâm nhập vào phổi khi cơ thể không đủ khả năng chống chọi.
Mặc dù khả năng miễn dịch tự nhiên tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể nhưng tốt nhất là nên tiêm 2 liều vắc xin để bảo vệ bản thân. Khả năng miễn dịch từ việc tiêm phòng cũng có thể suy yếu theo thời gian. Đó chính là lý do mọi người được khuyến khích tiêm nhắc lại.