Nguyên nhân gây ra tình trạng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng ở trẻ
Trong thời gian gần đây, nhiều phụ huynh có con nhỏ tỏ ra lo lắng trước thông tin số trẻ nhập viện vì tình trạng nôn ói, đau bụng chưa rõ nguyên nhân gia tăng.
Theo Infonet, BS. Đào Trường Giang, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện SaintPaul Hà Nội cho biết thời gian gần đây gia tăng trẻ đến viện thăm khám với biểu hiện nôn, đi ngoài. Tương tự, khoa Nhi, Bệnh viện 103 cũng tiếp nhận nhiều trẻ có biểu hiện mất nước, mệt lả, môi nhợt nhạt, tay chân lạnh, gọi hỏi không đáp ứng.
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết nhiễm khuẩn tiêu hóa là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra đau bụng và nôn ở trẻ.
Trẻ bị nôn, đau bụng có thể là do viêm dạ dày - ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, Covid-19.
Viêm dạ dày, ruột có thể xảy ra khi trẻ sử dụng thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng làm gia tăng sự phát triển của các loại sinh vật như ruồi, muỗi, gián, kiến... càng dễ lây lan mầm bệnh.
Theo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ chuyên khoa Nhi, Đỗ Xuân Hưng ở Hưng Yên cho biết những trẻ nôn nhiều nếu được chẩn đoán là viêm dạ dày ruột cấp thì phụ huynh không nên quá lo lắng. Khi cha mẹ đưa con đi khám và được chẩn đoán là viêm dạ dày ruột cấp, cúm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp... thì phải hiểu bản chất vấn đề là một chứng viêm do virus (như rota, adeno...) gây ra.
Triệu chứng điển hình của viêm ruột do virus là nôn ói trước, tiêu lỏng sau. Một số trường hợp không có biểu hiện tiêu chảy.
Bệnh chỉ cần điều trị trong vòng 5-7 ngày. Cho trẻ bù nước oresol, thêm men vi sinh và kẽm.
Lưu ý, khi trẻ đột ngột nôn ói nhiều thì nguy hiểm nhất là bệnh lồng ruột. Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán được trẻ có hiện tượng lồng ruột hay không. Nếu không phải thì cha mẹ có thể yên tâm.
Khi nào cần đưa trẻ nhập viện?
Nôn trớ do viêm dạ dày ruột nhiễm khuẩn thường bắt đầu đột ngột nhưng hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ. Trẻ cũng có thể gặp các biểu hiện khác ngoài nôn ói như tiểu chảy phân nhày máu, sốt hoặc đau bụng. Biểu hiện này có thể xuất hiện đồng thời hoặc sau 12-24 giờ.
Nếu con gặp hiện tượng nôn ói kéo dài trên 24 giờ hoặc nôn liên tục, nôn ra mọi thứ sau khi ăn uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có máu đỏ tươi hoặc máu đông thì cha mẹ cần phải đưa trẻ đến bệnh viện.
Ngoài nôn, trẻ có thể bị tiêu chảy đồng thời hoặc sau nôn, đau bụng. Ngay cả khi trẻ hết đau bụng, hiện tượng tiêu chảy có thể vẫn xảy ra. Cha mẹ cần đưa con đến viện nếu bé đi ngoài phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày, phân nhày máu hoặc có biểu hiện mất nước.
Cách chăm sóc khi trẻ bị nôn ói, tiêu chảy, đau bụng
Một trong những vấn đề quan trọng nhất khi trẻ gặp hiện tượng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy là phải xử lý kịp thời để tránh trẻ rơi vào nguy kịch do mất nước, rối loạn điện giải.
Theo Sức khỏe & Đời sống, ThS. BS Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, cho biết các trường hợp trẻ nhập viện gần đây chủ yếu có biểu hiện nôn là chính, một số trẻ có hiện tượng đau bụng kèm sốt.
Những trường hợp này khi nhập viện sẽ được bác sĩ khám lâm sàng cẩn thận và chủ yếu điều trị triệu chứng là chính như truyền dịch bù nước và điện giải, khoảng 1-2 ngày tình trạng của trẻ ổn định và có thể xuất viện.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán xác định các bệnh lý liên quan đến virus.
Về chăm sóc, nếu trẻ có các biểu hiện trên, cha mẹ cần theo dõi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Phải bù nước và điện giải bằng cách uống nhiều nước; uống oresol pha theo hướng dẫn. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, phụ huynh cần cho con uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng.
Về chế độ dinh dưỡng, cha mẹ duy trì chế độ ăn uống bình thường như hàng ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết. Thực hiện chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, tốt nhất là nên cho bé dùng bát đũa riêng. Trường hợp trẻ bị nôn, tiêu chảy, cha mẹ nên cho con ăn những món loãng, dễ tiêu như cháo, súp...