Dự kiến chính sách cải cách tiền lương được thực hiện từ 01/7/2024 sẽ làm thay đổi cơ bản chính sách tiền lương của nhiều đối tượng trong đó có giáo viên. Việc cải cách tiền lương sẽ ảnh hưởng thế nào đến thu nhập giáo viên?
Cải cách tiền lương ảnh hưởng thế nào đến thu nhập giáo viên?
Tại diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra ngày 19/9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 nếu không có gì thay đổi. Đối với giáo viên, cải cách tiền lương mang đến một số thay đổi như sau:
+ Giáo viên sẽ được trả lương theo bảng lương mới
Cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng. Đồng thời, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ được trả theo vị trí việc làm và đảm bảo không thấp hơn lương hiện nay đang được hưởng, cụ thể gồm:
- Một bảng lương chức vụ dành cho giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo trong trường học như Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng…
- Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng với giáo viên không giữ chức danh lãnh đạo. Bảng lương này sẽ bao gồm nhiều bậc lương và những người làm cùng mức độ phức tạp công việc thì lương bằng nhau, giáo viên sẽ được hưởng lương cao hơn nếu có điều kiện lao động cao hơn…
Riêng giáo viên là người lao động thì sẽ được điều chỉnh lương tối thiểu vùng và được trả lương theo thỏa thuận giữa trường học với giáo viên đó gắn với năng suất và kết quả lao động.
+ Giáo viên sẽ được sắp xếp lại các khoản phụ cấp.
Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương. Cụ thể:
- Vẫn giữ lại các loại phụ cấp: Phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động…
- Gộp các loại phụ cấp: Phụ cấp ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề, độc hại nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề; phụ cấp đặc biệt, thu hút và trợ cấp công tác lâu năm thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn…
- Bãi bỏ các khoản phụ cấp: Thâm niên nghề, chức vụ lãnh đạo, công tác Đảng đoàn thể chính trị - xã hội, công vụ…Đặc biệt, khoản phụ cấp thâm niên nghề sẽ khá cao với những đối tượng có thâm niên lâu năm.
Giáo viên có được tăng thu nhập khi cải cách tiền lương?
Sau khi biết cải cách tiền lương ảnh hưởng thế nào đến thu nhập giáo viên, theo tinh thần của Nghị quyết 27, một số giáo viên khá lo lắng bởi họ sẽ bị cắt đi khoản phụ cấp thâm niên nghề như hiện hưởng. Tuy nhiên, thu nhập của giáo viên có thể sẽ tăng so với hiện tại, bởi các lý do sau đây:
+ Nghị quyết 27 khẳng định, việc thực hiện cải cách tiền lương không làm giảm lương của giáo viên hiện nay.
+ Bổ sung thêm tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương. Khi xây dựng bảng lương mới theo số tiền cụ thể, căn cứ vào vị trí việc làm thì trong cơ cấu tiền lương trong năm của giáo viên sẽ có 10% thưởng.
+ Mới đây, Chính phủ đã đề xuất tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá sau năm 2024 cho đến khi mức lương thấp nhất của giáo viên bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (là vùng có mức lương tối thiểu vùng cao nhất trong khu vực doanh nghiệp).
Theo đó, căn cứ Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng theo tháng ở vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng. Do đó, nếu đề xuất của Chính phủ được thông qua thì sau năm 2024, khi đã cải cách tiền lương, mức lương thấp nhất của giáo viên phải bằng hoặc cao hơn 4,68 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hiện nay, với cách tính lương dựa vào hệ số và mức lương cơ sở, lương giáo viên thấp nhất là 3,348 triệu đồng/tháng (áp dụng với giáo viên mầm non hạng IV).