Với người lớn, chuyện kết hôn là câu chuyện của tình yêu, là cái kết cho một mối tình và còn là nhân duyên khi đến với nhau. Thế nhưng có nhiều cặp vợ chồng khi không còn hạnh phúc bên nhau thì nhân duyên cũng không còn, họ chọn cách rời xa nhau để hạnh phúc.
Còn với con trẻ, khi đôi mắt còn trong veo sự ngây ngô của tuổi thơ, chẳng ai muốn rời xa cha hoặc mẹ, chẳng ai muốn một gia đình tan vỡ. Vả lại, chúng nào có hiểu hết được đâu, bố mẹ ly hôn với chúng có lẽ là một cú sốc đầu đời, ám ảnh chúng suốt cả một khoảng thời gian thơ ấu.
Để rồi từ đó, việc bố mẹ hàn gắn lại với nhau, để mình có đầy đủ cha mẹ là điều ước lớn nhất của chúng trong khoảng thời gian này. Có lẽ vậy nên, bất cứ đứa trẻ nào trước cú sốc đầu đời cũng mong muốn cha mẹ quay về với nhau, được sống trong cùng một mái nhà có cả bố và mẹ.
Có thể không phải đứa trẻ nào cũng sẽ nói ra những lời như thế. Và đôi khi người lớn cũng bỏ qua những mong ước như thế.
Chỉ khi chứng kiến các con tủi thân khóe mắt cay cay đứng nhìn các bạn khác được cười nói tươi vui trong vòng tay cha mẹ ngày tựu trường đầu năm, hay khi sững người trước hình ảnh một ông bố, bà mẹ đang cẩn thận cài quai mũ cho đứa con bé bỏng trong giờ tan trường... mới thấy rõ được nó chân thực đến thế nào.
Và mới đây, một tờ giấy với điều ước nhỏ nhoi của bé gái lớp 5 nhét gọn trong chiếc thùng điều ước, được cô giáo mở ra và chụp lại khiến bất cứ ai, nhất là các bậc phụ huynh đều cảm thấy cay khóe mắt.
Câu chuyện được kể lại từ một người mẹ với nội dung như sau: "Đây là dòng chữ con gái mình (lớp 5) viết và bỏ vào hộp mơ ước của lớp. Cô giáo chụp lại gửi cho mình, đọc xong mình bật khóc, đau đến từng khúc ruột.
Vợ chồng mình lấy nhau 11 năm, kinh tế chẳng có gì, nhà thì đúng kiểu mưa không có chỗ nằm, con 2 tuổi, vợ chồng mình để con cho bà đi làm xa, bỏ con từ nhỏ cũng 1 phần vì bà nội nó già lại sống 1 mình nên để nó ở cùng bà, nhỡ ốm đau còn có người.
Đi làm ăn xa, phải thuê nhà, chắt bóp tiết kiệm đến mức cả tháng không mua thịt (ăn trứng, đậu lạc hay cá khô...), rồi cũng mua được miếng đất làm nhà, cũng về quê xây được cái nhà tử tế.
Rất nhiều lần mình đòi đón con lên nhưng chồng mình bảo, bây giờ còn 1 mình mẹ chồng ở nhà nên không cho đi, nhỡ ốm đau này kia. Nhà mình có 3 đứa nhé, ở cùng bố mẹ là 2 đứa nhỏ.
Lúc khốn khó là thế, lúc có tiền chồng mình cặp kè nọ kia đánh đập mình các bạn ạ, để bồ nó nhắn tin chửi mình. Mình uất ức về nói chuyện với mẹ chồng: "Giờ vợ chồng con không ở được với nhau, con xin phép về ngoại", mẹ chồng mình làm luôn câu: "Giả tao 3 đứa cháu".
Mình chán nản viết đơn ra tòa định nộp, nhưng nhìn mẹ đẻ, nhìn 3 đứa con mình không đành. Mình chấp nhận sống vì các con.
Mình chỉ muốn nhắn nhủ với tất cả đàn ông 1 điều: Đừng vì dục vọng hay bất kì lý do gì làm tan nát gia đình, ảnh hưởng đến con cái và làm những người vợ như bọn mình tổn thương. Mình chẳng biết nói gì nữa. Đau lắm các bạn ạ".
Đính kèm bài tâm sự là mẩu giấy nhỏ ghi lại điều ước nhỏ nhoi của cô con gái nhỏ, dòng chữ nắn nót, ngắn gọn nhưng ẩn chứa nội dung mà bất cứ người lớn nào đi qua cũng dừng lại để đọc hết, cô bé viết: "Mình ước gì bố mẹ mình không bỏ nhau".
Câu chuyện này ngay sau khi đăng tải đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Ai ai cũng không giấu được nỗi niềm xúc động, nhanh tay chia sẻ về cảm nghĩ của riêng mình.
Thành viên Thu Lê bình luận: "Thương hoàn cảnh của mẹ nó quá. Đúng là đời người chẳng ai nói trước được điều gì.
Xuân Quỳnh nhà thơ cũng đừng đúc kết rồi đó thôi 'Hôm nay yêu mai có thể xa rồi'. Bởi vậy nên người thiệt thòi nhất vẫn là con trẻ. Đọc bài viết của bạn mà khóe mắt mình cay".
Tài khoản Hoang Hai Dao viết: "Đôi khi vì con trẻ, không thể cướp đi gia đình của chúng, làm cha làm mẹ, đứng trước cánh cửa ly hôn hãy nhìn lại.
Dù mình không dám khuyên hãy hi sinh hạnh phúc của mình để con cái có vẫn có đầy đủ cha mẹ, nhưng mình chỉ khuyên rằng, trước khi lấn quá sâu hãy dùng lý trí để suy nghĩ về những điều được - mất trong hôn nhân".
Bạn Hương Giang thì đồng cảnh: "Mình cũng từng rơi vào hoàn cảnh như bạn. Nhưng mình ly hôn, dù biết, thật có lỗi với con khi con không được hưởng yêu thương của cả cha và mẹ trong 1 mái nhà.
Nhưng vì chồng mình quá quá quắt nên mình đành buông tay. Bây giờ, mình đang cố gắng sống thật hạnh phúc để bù đắp và lo cho con".
"Lúc bé cứ nghĩ bố mẹ ích kỉ, lớn lên mới biết chính bản thân mới ích kỉ khi cứ ràng buộc bố mẹ lại với nhau. Vợ chồng là nhân duyên, hết duyên hết nợ thì tự giải thoát cho nhau, phận làm con nên chấp nhận điều đó thay vì cứ cầu xin 2 người quay về bên nhau .
Tình cảm là một thứ gì đó rất mơ hồ, hạnh phúc đã không còn thì quay về cũng chỉ trên danh nghĩa vợ chồng mà thôi. Mong mẹ con bạn vững vàng và sáng suốt", tài khoản Linh Linh viết.
Bạn Hà Dương thì chia sẻ: "Ngày mình còn bé, bố mẹ cãi nhau rất nhiều, mình từng rất sợ bố mẹ ly hôn vì 2 chị em mình sẽ phải chia đôi, chẳng thể vui đùa, ở cùng 1 nhà với nhau được nữa.
Nhưng cuối cùng, điều mình lo sợ vẫn xảy ra. Bố và mẹ vẫn ly hôn và chẳng thể cứu vãn được cuộc hôn nhân 10 năm...
Giờ mình cũng đã là mẹ, mình chỉ mong các ông bố, bà mẹ, hãy biết thương nhau và biết thương lấy con cái. Đừng để những tổn thương lấn sâu trong mối quan hệ gia đình để rồi đi đến bế tắc là dòng chữ ký sắc lạnh trên mẩu giấy ly hôn".
Mặc dù, hy sinh hay cam chịu trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong cuộc sống hôn nhân, chưa bao giờ là giải pháp tốt nhất để mưu cầu một cuộc đời hạnh phúc.
Thế nhưng thay vì để sự việc đi quá xa, mỗi người làm cha, làm mẹ hãy có trách nhiệm với chính bản thân mình và những đứa con, đừng bao giờ để những đứa trẻ vô tội phải sống trong một hoàn cảnh tối tăm, đôi mắt luôn ầng ậng nước chực khóc vì bố mẹ hết yêu nhau.