Theo GS.TS Trương Công Am, Trưởng bộ môn Tâm lý tội phạm - Học viện An ninh nhân dân, gần đây trên cả nước xuất hiện một số vụ giết người với tính chất rất man rợ, khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Do vậy, việc lên án và có hình phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng gây án là cần thiết để giáo dục, răn đe và nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
* PV: Là người nghiên cứu tâm lý tội phạm, ông có thể giải thích về hiện tượng giết người man rợ này?
GS.TS Trương Công Am: Khi nói đến tâm lý của những đối tượng giết người man rợ thì trước hết phải nói đến động cơ, mục đích của hung thủ là gì. Trong vụ sát hại bạn tình đồng tính ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), cơ quan công an đã bước đầu làm rõ là do hung thủ bị nạn nhân ngăn cản các mối quan hệ khác, thường xuyên đánh đập, ép quan hệ đồng tính khiến nạn nhân thấy không thể sống với cuộc sống thực tại nên ra tay sát hại nạn nhân để giải thoát cho mình. Hung thủ là một người trẻ, có học thức, có quan hệ mật thiết với nạn nhân nhưng cách hành xử rất chuyên nghiệp, máu lạnh.
* Còn lý do nào ngoài chuyện giải thoát cho mình không, thưa ông?
Tôi cho là do có sự ảnh hưởng mặt trái của sự hội nhập với thế giới, sự đô thị hóa nhanh của xã hội và một số yếu tố khác khiến tâm sinh lý của con người bị thay đổi. Đối với những đối tượng phạm tội có học thức thì sau khi gây án, việc đối phó với cơ quan công an cũng ngày càng tinh vi.
* Có một số ý kiến cho rằng, trong các vụ tội phạm giết người man rợ có yếu tố của sự biến đổi gen, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Theo một số nghiên cứu ở nước ngoài về tội phạm, trong đó có nghiên cứu của Mỹ về các vụ xả súng hàng loạt, trong các vụ án có tính chất man rợ, hung thủ thường có sự biến đổi về gen ở nhiễm sắc thể số 23 (XY hoặc XYY). Những người này có nam tính rất mạnh. Hành động của họ ở một thời điểm thường không kiềm chế được bản thân, khi mất kiềm chế thường có xu hướng hung bạo, thực hiện các hành vi man rợ không ghê tay. Tuy nhiên, cần nói rõ không phải ai bị biến đổi gen ở nhiễm sắc thể này đều là những người có xu hướng bạo lực.