Hạ sốt cho trẻ bằng nước

12:55, Chủ nhật 04/05/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Khi trẻ bị ốm các bà mẹ thường nghĩ ngay đến việc dùng nước hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên nhiều mẹ mắc sai lầm khi dùng nước hạ nhiệt vì không biết cách.

Với mức sốt vừa (38-38,5 độ C), cơ thể trẻ có thể chịu đựng được. Sốt cao (từ 39 đến 40 độ C trở lên) trong thời gian dài có thể làm bé bị co giật, dẫn đến thiếu oxy não. Nhiều bé có hệ thần kinh rất nhạy cảm, chỉ cần sốt trên 38 độ C là đã bị làm kinh (co giật). Hiện tượng sốt cao co giật thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Khi trẻ sốt trên 39 độ C, cơn co giật thường xuất hiện và sẽ mất đi khi thân nhiệt hạ xuống dưới 39 độ C.

Do vậy, các bà mẹ cần nhanh chóng hạ sốt khi trẻ bị sốt cao. Cần cởi bỏ quần áo cho trẻ, dùng thuốc hạ sốt, lau mát hạ sốt, cho trẻ bú hoặc uống nhiều nước và đưa trẻ đến cơ sở y tế.

hạ sốt cho trẻ

Nên lau mát hạ sốt cho trẻ tại nhà

Lau mát hạ sốt cho trẻ khi: Trẻ sốt cao trên 40 độ C, sốt cao kèm co giật hoặc dọa co giật. Trước khi lau cần chuẩn bị 5 cái khăn có khả năng thấm nước tốt, thau nước ấm như nước tắm trẻ, nhiệt kế.

Trước khi tiến hành lau, cần lấy nhiệt độ của trẻ. Cho ít nước lạnh vào thau, cho nước nóng vào bằng nửa lượng nước lạnh. Kiểm tra nhiệt độ của nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước, nếu thấy cảm giác ấm giống như nước tắm trẻ hằng ngày là được.

Nhúng cả 5 cái khăn vào thau nước và vắt hơi ráo. Dùng 2 khăn lau ở hai hõm nách, hai khăn lau ở hai bẹn và một khăn lau khắp người. Chú ý: Không đắp khăn lên trán vì ít có tác dụng hạ sốt, và cũng không đắp lên ngực vì tăng nguy cơ viêm phổi.

hạ sốt cho trẻ

Cứ cách 2-3 phút thay khăn một lần. Theo dõi nhiệt độ nước, cho thêm nước nóng nếu thấy nước không còn ấm. Cứ cách 15 phút nên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C. Sau đó tiến hành lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.

Dùng nước mát xa

Mẹ chỉnh nhiệt độ phòng từ 27-28 độ, chuẩn bị một chiếc khăn bông hoặc khăn xô to loại 5 lớp mềm mại và một bát nước âm ấm. Mẹ có thể thêm một túi trà hoa cúc hoặc vài giọt tinh dầu dành cho trẻ em vào nước nếu muốn. Cởi bỏ quần áo của bé, đặt con vào khăn tắm.

Nhúng tay của mẹ vào trong nước rồi nhẹ nhàng đặt tay lên ngực bé, mát xa nhẹ nhàng theo hình trái tim vuốt từ ngực đến bụng. Tiếp tục dùng tay nhúng nước trong suốt quá trình mát xa và vuốt dọc tay, chân bé 2-3 lần. Sự kết hợp nhẹ nhàng giữa nước và tay mẹ sẽ có tác dụng làm dịu cơ thể bé.

Những điều kiêng kỵ khi trẻ bị sốt

- Không nên ủ ấm, mặc quần áo cho trẻ khi trẻ đang sốt vì càng làm thân nhiệt trẻ tăng cao.

- Không nên nặn chanh vào miệng trẻ vì làm cho trẻ bị rộp miệng, phỏng lưỡi, hoặc nghẹt thở.

- Không dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ.

- Không giật tóc, vỗ vào người bé khi bé đang bị co giật, vì sẽ khiến bé càng bị kích thích, co giật nhiều hơn.

- Trong quá trình hạ sốt, tuyệt đối không bật quạt, bật điều hoà. Làm như thế, da bé khô sẽ mất nước và khó hạ sốt. Hãy để cho bé tự ra mồi hôi. 

- Mặc quần áo thoáng cho bé, lau sạch mồ hôi và thay quần áo cho bé. Dùng quạt nan quạt nhẹ bằng tay cho bé được thoáng nếu cần thiết. 

- Cho bé ở trong nhà và ở nơi mát mẻ. Hoặc nếu đang ở ngoài trời thì phải chọn chỗ bóng râm. 

- Cho bé uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch oresol để bù nước, tránh tình trạng mất nước quá nhiều. 

- Cho bé ăn đồ ăn lỏng, uống nước mát như sữa chua, cháo, súp… Trong trường hợp bé sốt quá 3 ngày mà không đỡ dù đã áp dụng mọi cách thì nên đưa bé đi khám sớm. Với bé dưới 3 tháng tuổi thì nên đưa bé đi khám ngay khi bị sốt. Nếu bé khó thở, nổi nốt trên da kèm sốt thì càng nên đưa đi khám vì có thể bé đang mắc bệnh truyền nhiễm nặng. 

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự