Trước đó, khoảng 15h chiều ngày 15/ 12, anh Phước được người nhà đưa vào Bệnh viện. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan, hội chứng gạo thận, thoát vị đĩa đệm cột sống thứ 7, hai chân đi lại khó khăn, châm cứu không được phải vào viện…
Lúc nhập viện ông Phước được chẩn đoán, tiêm thuốc một lần vào khoảng 19 giờ ngày 15.12. Sau khi được đưa đi siêu âm, xét nghiệm, anh Phước được chuyển lên Khoa Nội Tổng hợp để điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xếp vào phòng 204 nằm chung với một bệnh nhân khác.
Sau đó, gia đình đã xin bệnh viện cho một giường bệnh vì bệnh nhân quá đau nhưng phía bệnh viện nói "chỉ có giường 2 người, nằm thì nằm không nằm thôi" sau đó bỏ đi. Người nhà thấy bệnh viện không biết làm sao bắt buộc phải đưa ông Phước ra nằm ngoài giường ở hành lang bệnh viện.
Vợ và con bệnh nhân đau đớn trước cái chết thương tâm của ông Phước
Từ đó, ông Phước nằm ngoài hành lang và càng ngày càng đau, kêu van dữ dội. Đến khoảng 1 giờ sáng 16.12, có bác sỹ đến khám và lấy mẫu máu, xong rồi đi.
Bệnh nhân nằm tại hành lang cho đến lúc 4 giờ 20 ngày 16.12 thì mất.
Theo ông Đặng Văn Phong (em trai của bệnh nhân Đặng Văn Phước): “Lúc nằm ngoài hành lang của khoa, anh trai tôi chỉ được kiểm tra 2 lần. Khoảng 19h, anh trai tôi được tiêm một mũi và đến 1h sáng anh tôi tiếp tục được lấy máu thêm lần nữa. Tuy nhiên, cả 2 lần đó chúng tôi không được biết tình trạng sức khỏe của anh. Lúc nhập viện thì anh Phước có kêu đau mỏi, tuy nhiên anh vẫn còn rất tỉnh táo và ăn uống bình thường. Sau đó, anh tôi liên tục kêu đau quằn quại, tôi chạy đi tìm bác sĩ nhiều lần nhưng không thấy. Đến 4 giờ, khi các y tá và bác sĩ đến kiểm tra thì anh ấy tử vong”.
“Anh trai tôi liên tục kêu đau, tại sao không cho vào phòng bệnh để kiểm tra hay đưa đi cấp cứu mà lại cứ bắt anh tôi phải nằm ngoài hành lang gần 12 tiếng đồng hồ. Bên ngoài thời tiết rất lạnh, người bình thường như tôi còn chịu không được thì bệnh nhân làm sao mà chịu được” - ông Phong bức xúc.
Lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh làm việc với thân nhân người chết.
Bức xúc trước cái chết của bệnh nhân, sáng ngày 16-12, rất đông người nhà bệnh nhân Đặng Văn Phước đã tập trung tại khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh để yêu cầu làm rõ việc làm tắc trách của phía BV dẫn đến việc bệnh nhân tử vong bên ngoài hành lang.
Tại đây, Bác sỹ Lê Việt Anh - Trưởng kíp trực cho biết: “Sau khi bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội tổng hợp, chúng tôi đã cho bệnh nhân thực hiện các khám xét kịp thời, chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, đồng thời phát thuốc tiêm và thuốc uống cho bệnh nhân. Sau đó, tôi đã thăm khám lại, dù bệnh nhân kêu đau nhưng tôi không tiếp tục tiêm thuốc vì gan của bệnh nhân yếu, không thể sử dụng thuốc nhiều”..
Y sĩ Nguyễn Thị Hải được phân công chăm sóc bệnh nhân cho biết: “Chúng tôi xếp bệnh nhân Phước nằm cùng với 1 bệnh nhân nữa nhưng gia đình không đồng ý nên họ xin ra nằm tạm tại giường ngoài hành lang. Tôi chỉ đồng ý cho bệnh nhân nằm đến 7h sáng mai (ngày 16/12 - PV), nếu không sẽ không có thuốc”.
Phía bệnh viện cho rằng đã làm đúng các quy trình trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân Đặng Văn Phước. Bệnh nhân được thăm khám tỉ mỉ, kịp thời, cho lấy máu xét nghiệm, xếp phòng, xếp giường cho bệnh nhân, giải thích tình hình cho gia đình tình trạng bệnh nhân, phải xếp giường đôi.
Về đại diện phía Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho hay: Chưa thể xác minh được việc ông Phước mất là do nhân viên bệnh viện thiếu trách nhiệm trong quá trình khám cấp cứu. Việc này sẽ được tiến hành lập hội đồng khám nghiệm để truy tìm nguyên nhân cái chết của ông Phước để có trả lời chính xác.
Đến 13h chiều 16/12, thi hài bệnh nhân vẫn chưa được đưa về quê mai táng.
Trước đó, cũng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, ông Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, trú xã Cẩm Thăng, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tử vong tại đây do sốc phản vệ khi tiêm thuốc kháng sinh.
Theo người nhà của bệnh nhân Hồng thì BVĐK Hà Tĩnh đã không test trước lúc tiêm kháng sinh vào người ông Hồng, dẫn đến sốc phản vệ, tử vong.
Ngày 8/8, ông Hồng nhập Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh để điều trị với chẩn đoán bị viêm xương. Đến trưa 12/8, các y, bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh Trikazim và Ciprofloxacin Kabi cho ông Hồng. Ông Hồng tử vong do sốc phản vệ.
Trước cái chết đột ngột của ông Hồng, nhiều người thân có mặt tại bệnh viện đã tỏ ra bất bình, đập vỡ một số máy móc, đánh bị thương bác sĩ Mai Văn Lục (Trưởng Khoa Hồi sức tích cực) và 3 y, bác sĩ khác của khoa này. Công an TP Hà Tĩnh phải huy động hơn 40 người mới kiểm soát được vụ việc.
Sáng 6/9/2013, Công an TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, đã ra quyết định khởi tố vụ án “đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ” để tiếp tục điều tra với 2 hành vi: Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp và hủy hoại tài sản của những người liên quan trong vụ án.
Theo đó, cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh sẽ tiến hành điều tra về hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo Điều 99, Bộ luật Hình sự đối với ông Đào Xuân Lý - Phó trưởng khoa Chấn thương đồng thời là người chỉ định tiêm và điều dưỡng Phan Văn Hà (người trực tiếp tiêm hai loại thuốc kháng sinh Trikazim, Ciprofloxacin Kabi cho nạn nhân Hồng) dẫn đến bệnh nhân sốc phản vệ, tử vong.