Rước bệnh vào thân vì ngủ cùng cún cưng

10:10, Thứ hai 16/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chó, mèo là vật nuôi phổ biến trong các gia đình và thú vui của rất nhiều người, thế nhưng, thói quen bồng bế, ôm ấp, hôn hít vật nuôi có thể khiến con người mắc nhiều bệnh nguy hiểm.

Cứ ngỡ cho thú cưng cùng lên giường ngủ chung là thể hiện được tình yêu thương của mình với động vật, nhiều người đã không biết rằng đó là một “tình yêu mù quáng” vì người bạn ngủ chung tưởng như đáng yêu đó có thể trở thành nguồn nguy hiểm lây bệnh cho những ai nằm gần.

Ôm hôn, chơi, thậm chí ngủ cùng thú nuôi như chó, mèo, chim cảnh… đã trở nên bình thường ở các hộ dân sống trong đô thị ngày nay. Thế nhưng rất ít người biết các thú nuôi này cũng có thể mắc nhiều loại bệnh và lây sang người, kể cả các bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Bé Thu con nhà anh Tuyên, đã phải đến bác sĩ khám bệnh vì thường xuyên lên cơn hen suyễn và nhiều lần phải nhập viện cấp cứu. Bệnh chỉ lắng dịu mỗi khi bé Thu được bố mẹ cho sang nhà ông bà chơi. Sau khi kiểm tra việc sử dụng thuốc, điều chỉnh hết các nguyên nhân có thể khiến bệnh không kiểm soát được, bác sĩ đã đi đến kết luận thủ phạm khiến bé Thu thường xuyên lên cơn hen suyễn chính là…2 con mèo nuôi trong nhà.

Yêu thương cúng cưng quá, hóa bệnh

Có rất nhiều đường lây truyền bệnh từ thú nuôi qua người và cũng có rất nhiều loại bệnh xuất phát từ việc lây truyền này. Phân, nước tiểu, nước bọt… của thú nuôi có chứa vi khuẩn, virút, trứng ký sinh trùng sẽ lây từ tay bẩn đưa lên miệng, bám vào thức ăn nấu chưa chín, rau sống rửa chưa sạch… để gây bệnh.

Mầm bệnh cũng có thể lây qua các vết cào, cắn của thú nuôi. Thú nuôi còn có thể gây bệnh cho người qua đường hô hấp do hít phải lông thú có chứa ký sinh trùng, vi khuẩn… Ngoài ra vảy da, nước bọt, nước tiểu của thú nếu dính lông cũng có thể gây dị ứng cho người, hay làm khởi phát cơn hen suyễn.

Chị Thơm, đến bệnh viện khám với các triệu chứng cộm, vướng, tấy đỏ và cảm giác có vật lạ trong mắt. Điều bất ngờ là khi thăm khám, phẫu thuật, các bác sĩ đã bắt được những con giun chỉ có kích thước chiều dài từ 4 cm đến 12,5 cm. Sau khi tiến hành giải mã gien, các bác sĩ đã định danh loại giun chỉ nằm trong mắt chị thơm là giun ký sinh ở chó, mèo.

Theo BS Hoàng Xuân Đại, Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, các loài thú cảnh như chim, chó, mèo, chuột... đều tiềm ẩn những nguy cơ có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thường gặp nhất là bệnh sán dây chó, sán lá phổi, giun đũa… Người mắc sán chó thường đau bụng, tiêu chảy, sút cân và khi chúng xâm nhập lên não sẽ gây viêm não.

Ngoài ra, con người cũng rất dễ nhiễm giun đũa chó, mèo, ký sinh trong ruột chó, mèo và trứng giun theo phân ra ngoài. Con người còn vô tình bị nhiễm trứng giun đũa chó qua thức ăn, nước uống hay tay bẩn khi chăm sóc chó. Sau khi nuốt phải, trứng giun xuyên qua thành ruột vào máu thành ấu trùng, di chuyển đến các cơ quan nội tạng như gan, tim, phổi, não, mô cơ... Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi ấu trùng ký sinh ở mắt, gan, tim, phổi.

“Khi cho các con thú yêu ngủ chung giường mà chúng bị nhiễm giun sán, trứng giun hoặc ấu trùng sán rơi ra giường sẽ lây sang người và gây bệnh. Còn khi âu yếm, hôn hít chúng, chính là ta đã tạo cơ hội lây bệnh cho mình”- BS Đại nói.

Cũng theo BS Đại, một mối nguy hiểm khác mà con người có thể mắc phải khi gần gũi chó, mèo là bệnh dại. Ở Việt Nam, chó nhà nuôi và mèo là nguồn truyền dại cho người nhiều nhất (khoảng gần 97%). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hàng trăm người tử vong mỗi năm do bị chó, mèo nhiễm virus dại tấn công. “Ngoài ra, đã có thời điểm chim cảnh cũng bị coi là thủ phạm mang đến căn bệnh cúm A/H5N1”- BS Đại thông tin thêm.

Theo một số bác sĩ nhi khoa, lông chó, mèo còn là thủ phạm kích thích các cơn hen ở trẻ nhỏ. Đã có không ít cháu nhỏ bị lên cơn hen cấp tính, thậm chí nguy đến tính mạng, vì bố mẹ cho chơi và ngủ cùng chó, mèo. BS Nguyễn Duy Hưng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết lông chó, mèo và ký sinh trùng có trên chó, mèo cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh dị ứng cho rất nhiều người. Bệnh nhân tới khám thường có các biểu hiện nổi mề đay với những mảng sẩn phù, đỏ tấy và ngứa dữ dội.

Đặc biệt, trên cơ thể của mèo, chó thường có bọ, ve, ghẻ cư trú nên việc ôm ấp vật nuôi khiến những con bọ nhảy sang người và gây bệnh. Còn các bọ ve từ chó, mèo không chỉ gây ngứa ngáy mà cũng có thể là “vật trung gian” truyền dịch bệnh từ chuột, gây dịch hạch.

Yêu thương thú cưng phải đúng cách

Có một số người đã hiểu không đúng khi cho rằng có thể bằng mắt thường nhìn thấy những nguy cơ lây bệnh từ thú nuôi trong nhà. Thật ra, có rất nhiều trường hợp thú nuôi mang mầm bệnh nhưng có thể không có bất cứ biểu hiện bất thường gì.

Do đó phải áp dụng các biện pháp phòng tránh lây bệnh từ thú nuôi ngay cả khi trông chúng có vẻ ngoài khoẻ mạnh. Có một số nguyên tắc an toàn mà những người nuôi thú cần lưu ý khi chăm sóc thú nuôi: tắm rửa thú nuôi thường xuyên, tẩy giun sán định kỳ khoảng sáu tháng/lần, tiêm ngừa bệnh và kiểm tra sức khoẻ thường xuyên ở các phòng khám thú y, không cho thú nuôi ăn thịt sống…

Đối với người nuôi thú cũng phải chú ý đến vấn đề vệ sinh cá nhân. Phải rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với thú nuôi và trước khi ăn. Không ôm hôn, ngủ chung, ăn uống chung với thú nuôi. Không cho trẻ em chơi dưới đất, mút tay nếu trong nhà có nuôi thú vật. Tốt nhất nên cho trẻ chơi nơi không có chó, mèo lui tới.

Theo các chuyên gia về thú y, chó, mèo phải được tắm từ 1-2 lần/tuần bằng loại dầu tắm riêng để loại bỏ trứng giun bám vào lông; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin từ khi chúng được 2 tháng tuổi, tẩy giun sán định kỳ 3-6 tháng/lần.

Khi vật nuôi có các biểu hiện bệnh như lông rụng vung vãi, con vật ngứa ngáy, dụi người vào tường để gãi hoặc có những dấu hiệu bất thường như bỏ ăn, ủ rũ, không nhanh nhẹn, rên rỉ… phải đưa đến các phòng khám thú y.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy